Về quê tát đìa ngày Tết: Vui ơi là vui!

29/01/2017 14:39 GMT+7

Tát mương, bắt cá là một trong những thú vui hấp dẫn đối với du khách tại các khu du lịch dã ngoại ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Sáng chủ nhật, ghé vào một khu du lịch sinh thái ở vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang), chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục học sinh đang lội sình để tát đìa, bắt cá, trong khi nhiều em khác đứng trên bờ cổ vũ, reo hò.
Hỏi thăm mới biết đó là nhóm học sinh lớp 9, từ TP.HCM về quê hưởng niềm vui dân dã.
Tát đìa ăn tết
Niềm vui thu hoạch Ảnh: Gia Bách
Thầy giáo dẫn đoàn của các em chia sẻ: “Lội bùn, tát mương, bắt cá, làm ruộng... là những chuyện quá xa lạ đối với học sinh nơi thành thị. Vì lẽ đó nên nhà trường tổ chức cho các em đi tham quan và trải nghiệm cuộc sống của người dân quê. Lần đầu tiếp xúc với bùn sình, các em rất hào hứng, thích thú khi tự tay cầm nơm, cầm rổ đuổi bắt được con cá lóc, sau đó đem lên bờ tự làm món với lửa rơm”.
Tát mương, bắt cá là một trong những thú vui hấp dẫn đối với du khách tại các khu du lịch dã ngoại ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Trong khi chuyện tát mương, bắt cá ăn tết bây giờ chỉ còn lại trong ký ức của những người lớn tuổi, vì ao, đìa giờ không còn. Tôm cá tự nhiên thì ngày càng hiếm.
Ông Nguyễn Văn Hùng (64 tuổi, ở xóm Rạch Tràm, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) kể hồi xưa sau khi đưa ông Táo về trời (ngày 23 tháng chạp), thì nhà nhà chuẩn bị tát đìa, bắt cá để dành ăn tết. “Hồi đó ở vùng này nhà ai cũng đào đìa quanh nhà, có nhà chừng 4 - 5 cái. Mùa nắng thì vét cho sâu rồi thả chà và lục bình để giữ cá. Khoảng năm 1964 thì bắt đầu có máy Kohler, Clinton nhập từ Mỹ, gọi là “máy đuôi tôm”. Loại này rất tiện dụng, có thể dùng để bơm nước, quạt lúa, tát đìa và chạy xuồng. Giá cả lại phù hợp với túi tiền của nông dân. Bấy giờ, những gia đình khá giả thì tát đìa bằng máy, số khác thì tát bằng gàu dai. Có những cái đìa dài, đào theo chữ L, chữ U, 2 người tát đến nửa ngày mới cạn”, ông Hùng kể.
Vui nhất là khi đìa cạn. Khoảng 4 - 5 người trong nhà kéo giỏ lớn, dàn hàng ngang để bắt cá. Trong khi phía sau cả chục người, thường là trai gái trong xóm mang giỏ đi theo “bắt hôi”. Cá trê, cá rô, cá sặt... nằm trên bùn dễ thấy, dễ bắt. Còn cá lóc, lươn và cá chạch thì chúi sâu xuống bùn, nếu mò không kỹ thường bị sót.
Chính vì vậy mà có những con cá lóc bị sót nặng cả ký, người bắt hôi tóm được, chủ nhà vừa tức, vừa tiếc... Cá nhiều đến mức chỉ cần bắt xong nửa đìa là phải dừng lại, đem cá lên bờ, rửa bùn, cho vào khạp da bò rộng rồi mới bắt tiếp. Thế nên gần tết, nhà nào cũng có 5 - 7 khạp da bò rộng cá để dành ở phía sau hè.
Tết xưa ở vùng quê rất nghèo. Người dân đi chợ tết chỉ mua trà, giấy hình quần áo, nhang đèn, dưa hấu và thịt heo đem về kho để dành cúng ông bà. Mọi thứ còn lại đều “cây nhà lá vườn”.
Bánh tráng thì từ 25 tháng chạp nhà nào cũng tự tráng. Bánh mứt chợ hiếm thấy, bánh mứt hộp như bây giờ lại càng không. Nhà ai cũng đem chuối ép, phơi khô rồi treo trên giàn bếp để dành từ vài tháng trước.
Đến tết đem ra ngào với đường, gừng, dừa, đậu phộng. Mứt bí, mứt gừng, dưa cải... cũng tự làm. Chỉ có cá thì nhà nào cũng sẵn: cá lóc kho chung với thịt, cá lóc làm khô, nướng, xé ra trộn với củ cải, rau răm. Cá trê vàng nướng, dầm nước mắm gừng, hoặc cá rô mề, trứng đem cặp gấp tre nướng, dầm nước mắm tỏi, ớt.
Nghèo vậy nhưng không khí tết rất vui. Từ 20 tháng chạp, khi trời mới hừng đông đã nghe tiếng chày quết bánh phồng, chen lẫn với tiếng gà gáy sáng vang rền khắp xóm...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.