Về quê trồng rừng để nuôi tôm sạch

05/01/2018 10:03 GMT+7

Tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, đi làm được 2 năm, nhưng cuối cùng Phạm Xuân Thành lại chọn con đường về quê phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn để nuôi tôm, cua, cá.

Nhìn hình ảnh chàng trai nước da ngăm đen với chiếc khăn rằn của người Nam bộ trên cổ tại vòng bán kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp” do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM tổ chức gần đây, mới thấy hết được tình yêu của chàng kiến trúc sư trẻ này dành cho vùng sông nước Cà Mau của mình.
Xuân Thành nhận ra lợi thế của những cánh rừng ngập mặn quê nhà nhưng chưa được người dân khai thác hết. Bên cạnh đó, người dân ở quê đã dần dần bỏ cách nuôi tôm truyền thống sang nuôi theo lối công nghiệp. Chính những điều này đã thôi thúc Thành bỏ ngang công việc đúng chuyên ngành để rẽ sang hướng đi mới, với mong muốn mang được sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng.
“Mình phân phối ra thị trường sản phẩm là tôm thiên nhiên. Các sản phẩm này tại địa phương chủ yếu được xuất khẩu, còn người tiêu dùng trong nước vẫn phải sử dụng những con tôm nuôi công nghiệp, sử dụng thuốc kháng sinh và không được sạch. Thành muốn nhiều người biết và sử dụng những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên này”, Thành lý giải.

Chính vì nuôi tự nhiên nên hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên... Nhưng điều mình nhận lại là sản phẩm có chất lượng và rất an toàn

Phạm Xuân Thành

Khi được hỏi về cách nuôi tự nhiên này, Thành cho biết: “Mình trồng rừng ngập mặn, tôm và cua có trong rừng, thế là mình khai thác. Nguồn thức ăn của tôm, cua là rong, tảo và các sinh vật phù du có trong rừng. Mình trồng chủ yếu cây đước, lá cây đước rụng xuống, phân hủy và tạo nên nguồn thức ăn cho tôm, cua, hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc thuốc kháng sinh. Tôm sú và cua thì mình có thả con giống vì giống tự nhiên không nhiều, tôm đất và tôm thẻ thì giống hoàn toàn tự nhiên”.
Thành cũng phân tích thêm: “Việc trồng rừng sẽ giúp cân bằng sinh thái, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn. Bên dưới rễ cây đước có rất nhiều sinh vật sinh sống như ốc, ba khía, cá, cua, tôm... Nếu không có rừng thì sẽ không có nơi ở và nguồn thức ăn cho những sinh vật này”.
Cũng theo Thành, tôm được đánh bắt 2 lần mỗi tháng và bắt theo con nước trong khoảng thời gian từ ngày 1 - 5 (âm lịch) và 15 - 20 (âm lịch) khi con nước xuống thấp nhất, xả nước trong đầm ra, tôm đi ăn theo con nước và đóng vào lưới chắn.
Tuy nhiên, Thành cũng thừa nhận: “Chính vì nuôi tự nhiên nên hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, mình không kiểm soát được số lượng và năng suất sẽ thấp hơn tôm nuôi công nghiệp. Nhưng điều mình nhận lại là sản phẩm có chất lượng và rất an toàn”.
Vì là dân tay ngang nên để bắt tay vào dự án này, Thành phải học kinh nghiệm nuôi tôm từ người thân, người dân địa phương và lên mạng mày mò cũng như tìm những chuyên gia về nuôi trồng thủy sản để học hỏi. Đến bây giờ, sau 1 năm bỏ phố về quê, Thành đã thành lập công ty. Những sản phẩm hiện nay công ty cung cấp là tôm đông lạnh các loại, tôm khô, cua Cà Mau... Tất cả sản phẩm đều được kiểm định tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quatest 3, TP.HCM và hoàn toàn không phát hiện các hàm lượng kim loại nặng như: chì, cadimi, asen hoặc thủy ngân. Hiện nay sản phẩm của Thành đã có mặt tại các phiên chợ sạch, cửa hàng thực phẩm sạch.
Bên cạnh việc thành lập công ty, Thành còn mở một homestay để đón khách trên vuông tôm thiên nhiên của gia đình.
Nói về lý do thành lập homestay này, Thành cho hay: “Khách hàng khi mua sản phẩm thường hay hỏi tôm này có thật sự tự nhiên hay không, vì mô hình này người dân ở địa phương khác và dân thành phố hoàn toàn không biết. Chính vì thế mình muốn mở mô hình du lịch trải nghiệm này để du khách hiểu rõ hơn về sản phẩm và quy trình nuôi trồng của mình”.
Với những nỗ lực và quyết tâm, hiện Thành đã đạt được những thành công bước đầu với doanh thu 100 triệu đồng/tháng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.