Vé số 'năm Covid': Ông lão mù với cây đàn 'độc nhất' bằng ván gỗ và phanh xe đạp

20/12/2020 13:20 GMT+7

Ông Trương Thanh Liêm (68 tuổi, tạm trú tại TX.Bình Minh, Vĩnh Long) bị khiếm thị kiếm sống bằng nghề đánh đàn bán vé số nuôi vợ bệnh tật.

Ông Liêm sinh ra một gia đình nghèo khó ở miệt Đầm Dơi (Cà Mau). Năm 3 tuổi ông bị bệnh ban đỏ, nhưng do không có tiền chạy chữa nên đôi mắt ông mờ dần rồi mù hẳn.
Trong một lần tình cờ nghe thấy tiếng đàn guitar phát lên từ chiếc radio của nhà hàng xóm, ông thấy say mê, rồi hàng ngày cứ đứng đợi trước cửa để nghe. Thấy con trai đam mê nên mẹ ông dùng số tiền tích cóp suốt nhiều năm để tìm mua cây đàn cũ cho ông học.
Bằng niềm đam mê và sự nỗ lực, ông Liêm đã tự rèn luyện khả năng chơi đàn. Những ngón đàn của ông chưa hẳn là tuyệt đỉnh nhưng khiến người khác cảm phục vì nghị lực sống, sự cố gắng không mệt mỏi.
Năm 19 tuổi, mẹ ông qua đời, ông ôm cây đàn của mẹ tặng ông đi đến khu vực bến phà Cà Mau để bắt đầu nghiệp cầm ca. Nhưng vài năm sau, trong một lần bất cẩn ông bị kẻ trộm lấy mất và số tiền tích cóp được khiến ông buồn bã rồi quyết định rời quê hương để đến Cần Thơ kiếm kế sinh nhai.
Không còn đủ tiền mua đàn mới, ông Liêm tìm mua miếng ván gỗ chế đàn rồi tự chế một cây đàn theo trí tưởng tượng của mình. Sau nhiều chỉnh sửa cuối cùng cây đàn cũng hoàn thành. Rồi đem đờn đi mưu sinh trên chuyến đò từ bờ Cồn Khương (Cần Thơ) sang thị xã Bình Minh (Vĩnh Long).
Đến khi đã ngoài 40 tuổi, ông nên duyên với bà Nguyễn Thị Nhiễu và thuê nhà trọ sống tại TX.Bình Minh, Vĩnh Long. Hồi trước, bà Nhiễu còn phụ ông làm thuê, buôn bán mưu sinh nhưng giờ bà bệnh nhiều, phải ở nhà để dưỡng bệnh, gánh nặng gia đình oằn trên đôi vai ông.
Với dáng người nhỏ thỏ, gương mặt khắc khổ, mù lòa, ông Liêm ôm cây “độc cầm” tự thiết kế lê bước dò đường đi bán vé số mưu sinh. Chốc chốc ông lại gảy đờn. Ngón đờn tuy không trau chuốt nhưng cảm xúc và điệu nghệ
Cây đàn “độc cầm” của ông không phải chỉ cây đờn 1 dây (đờn bầu) mà là cây đàn tự chế độc đáo “độc nhất vô nhị” của một "nghệ sĩ" đường phố khiếm thị. Chỉ bằng một miếng ván gỗ mỏng, dài khoảng hơn 60cm, hai đầu đóng đinh. Dây đàn làm bằng phanh xe đạp được buộc vào đầu đinh kéo từ dưới lên trên ngang qua một thau nhôm được gọi nôm na là “hộp đàn”.
Tuy đơn giản, nhưng khi mỗi khi tiếng đờn nhè nhẹ vang lên lại mang một âm thanh đầy mê hoặc, có lúc thanh thót, da diết, lúc thì ai oán, buồn bã, ưu uất giống như nỗi lòng của ông.
Ông thì mù lòa, bà thì hay đau bệnh, 2 người sống nhờ vào tiền đi đàn hát rong ở bến đò Cồn Khương. Hơn 1 năm qua, ông chuyển qua nghề bán vé số vẫn với tiếng đờn quen thuộc. Nhưng do không thấy đường đi nên vé số bán không được nhiều, nhiều lúc bị kẻ gian giật vé số, khiến cuộc sống hai vợ chồng khá khó khăn.
“Nghề cầm ca riết cũng không thể kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Hơn 1 năm nay, tôi vừa bán vừa đờn nên khách cũng thương tình ủng hộ. Mỗi ngày lãnh gần 100 tờ bán. Có khi tôi vừa đi vừa đòn bán được một lúc thì có người tới nói muốn mua vé số, lấy tập vé để lựa. Tôi đưa xong thì người ta phóng xe chạy mất. Không nhìn thấy gì cũng không thể đuổi theo được nên ngậm ngùi bù tiền”, ông nói.
Ông Liêm buồn bã nói tiếp, vì lúc bắt đầu bán vé số đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên việc buôn bán cũng ế ẩm. Nhiều lúc số tiền kiếm được không đủ để trang trải tiền thuốc men cho vợ. Ngoài ra, mỗi ngày ông phải chi trả tiền xe ôm đưa rước đến địa điểm bán tại các chợ trên đường 3 tháng 2 nên cũng rất tốn kém.
So với những người lành lặn, hoặc có khuyết tật chân, tay thì những người mù, nhất là những người độc hành mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo gặp nhiều khó khăn, di chuyển cực nhọc nên thu nhập cũng thấp hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.