Theo nhiều tài liệu, làng Mỹ Trạch được thành lập cách đây trên 500 năm. Mỹ Trạch, một ngôi làng thuần nông hiền hòa, có đường sắt Bắc - Nam đi qua, cầu đường sắt bắc qua sông được lấy cùng tên làng Mỹ Trạch. Trong vườn dừa gần cầu Mỹ Trạch, hiện có một nhà bia tưởng niệm vụ thảm sát đau thương. Nhiều bô lão trong làng còn in hằn ký ức về buổi sáng kinh hoàng 71 năm trước.
Chiều 28.11.1947, quân Pháp ở đồn Thượng Phong tập trung đến đồn Xuân Bồ (xã Xuân Thủy) bên kia sông, để chuẩn bị phối hợp với các lực lượng khác như quân ở đồn Hòa Luật Nam (xã Cam Thủy). Đến khoảng 2 giờ sáng ngày 29.11.1947, quân giặc bí mật hành quân mai phục ngoài làng Mỹ Trạch. Mặc dù phía làng đã kịp thời báo động nhưng do địch quá đông và có pháo yểm trợ nên quân dân không đủ sức đối phó. Từ 5 đến 8 giờ sáng, quân địch tràn vào làng từ 3 hướng rồi bắn phá, đốt cháy 326 ngôi nhà, cướp hết thóc gạo, trâu bò và hãm hiếp con gái, phụ nữ. Sau đó, chúng dồn hơn 300 người ra cầu Mỹ Trạch để khủng bố, uy hiếp tinh thần, bắt khai ra các cơ sở cách mạng và bắt hô khẩu hiệu chống lại cách mạng.
|
Từ QL1 hoặc đường Hồ Chí Minh, chỉ mất khoảng hơn 10 phút chạy xe là có thể đặt chân đến Mỹ Trạch. Về Mỹ Trạch hôm nay không còn cảnh tang thương, thay vào đó là những lũy tre làng xanh mướt, những cánh đồng trải rộng yên bình nằm bên dòng Kiến Giang. Chứng tích tội ác chiến tranh vụ thảm sát Mỹ Trạch trở thành một trong những địa chỉ đỏ trên quê hương Lệ Thủy anh hùng. Điểm đến đặc biệt này cùng với nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc, khu lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, suối nước nóng Bang… tạo thành chuỗi điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Bình luận (0)