Các chuyên gia Thụy Sĩ lên kế hoạch chế tạo “vệ tinh lao công”, được thiết kế đặc biệt để chuyên thu dọn những loại rác thải nguy hiểm đang trôi nổi trên quỹ đạo.
Vệ tinh trị giá 11 triệu USD, với tên gọi CleanSpace One, đã được lắp ráp tại Trung tâm không gian Thụy Sĩ thuộc Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne (EPFL). Trong vòng 3 - 5 năm nữa, CleanSpace One sẽ sẵn sàng được phóng lên không gian. Nhiệm vụ đầu tiên của nó là phải dọn 2 vệ tinh của nước này mới lên quỹ đạo vào năm 2009 và 2010 nhưng sắp bị loại bỏ trong thời gian tới, theo EPFL.
|
Thống kê của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy có hơn 500.000 rác thải từ các phần đã qua sử dụng của tên lửa đẩy, các phần vệ tinh hỏng hóc và những loại rác khác đang có mặt trên quỹ đạo trái đất. Rác vũ trụ di chuyển với tốc độ 28.000 km/giờ, đủ để phá hủy hoặc giáng một đòn chí tử cho các vệ tinh đắt tiền vẫn còn đang hoạt động, hoặc thậm chí có thể đe dọa phi thuyền đang lên quỹ đạo. Kết quả của những vụ va chạm này sẽ thải ra thêm nhiều mảnh vỡ nguy hiểm trôi nổi trên không gian. NASA đã ghi nhận ít nhất 2 lần đụng độ giữa rác vũ trụ và vệ tinh. Vào năm 1996, một vệ tinh Pháp đã hư hại khi va phải một mảnh vỡ tên lửa. Năm 2009, vệ tinh thuộc sở hữu của Công ty viễn thông Iridium bị phá hủy do chẳng may đâm vào một vệ tinh “thây ma” của Nga.
Việc tìm ra một giải pháp tức thời và hiệu quả là điều cấp bách trong giai đoạn hiện nay, theo AP dẫn lời Giáo sư kiêm phi hành gia Claude Nicollier của EPFL. Việc chế tạo một vệ tinh như vậy cần phải áp dụng công nghệ mới thỏa mãn được 3 yếu tố. Khó khăn thứ nhất có liên quan đến đường đi của vệ tinh: Nó phải có khả năng điều chỉnh hướng di chuyển để tiếp cận mục tiêu. Về điểm này, EPFL cho hay các phòng thí nghiệm của tổ chức này đang tìm kiếm một loại động cơ siêu nén có thể thực hiện được điều đó. Kế đến, vệ tinh mới phải bắt được và giữ ổn định rác vũ trụ đang di chuyển với tốc độ cao. Các chuyên gia đang nghiên cứu cách thực vật và chim chóc bắt mồi để tìm ra cơ chế liên quan. Cuối cùng, CleanSpace One phải kéo được mảnh rác đó, hoặc một vệ tinh hết hạn sử dụng, trở về khí quyển trái đất. Cả vệ tinh dọn rác và “tù nhân” của nó sẽ bị tiêu hủy trên đường quay lại mặt đất.
Giám đốc Trung tâm không gian Thụy Sĩ Volker Gass cho hay trong tương lai, các chuyên gia hy vọng sẽ cung cấp được một hệ thống vệ tinh có thể dọn bất cứ loại rác thải nào dù lớn hay nhỏ đang hiện diện trên quỹ đạo. Vẫn chưa rõ chi phí cho mỗi lần dọn rác kiểu này, vì CleanSpace One sẽ tiêu hủy luôn cùng lúc với đối tượng cần dọn dẹp, nhưng có khả năng các chính phủ có thể hỗ trợ một phần. Vào năm 2007, Trung Quốc đã cố ý dùng tên lửa bắn hạ một trong những vệ tinh của mình, và hậu quả là tống ra khoảng 150.000 mảnh vỡ nhỏ và 3.000 mảnh lớn đủ để lọt vào tầm quan sát của các radar trên trái đất. Gần đây nhất, phi thuyền Phobos-Grunt trị giá 170 triệu USD của Nga đã mắc kẹt trên quỹ đạo sau khi được phóng vào ngày 9.11.2011. Bất chấp nỗ lực của các chuyên gia Nga và Cơ quan Hàng không châu u, phi thuyền này vẫn không thể bắt đầu lại sứ mệnh của mình. Phobos-Grunt là một trong những rác vũ trụ lớn nhất và độc hại nhất từng rơi xuống trái đất.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)