Vệ tinh Nga, Mỹ chơi 'mèo vờn chuột' trong không gian?

Khánh Như
Khánh Như
01/05/2023 20:40 GMT+7

Một vệ tinh bí ẩn của Nga và một vệ tinh quân sự bí mật của Mỹ dường như đang chơi rượt đuổi theo kiểu mèo vờn chuột trong không gian.

Tờ Business Insider trong tuần này dẫn phát hiện của các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng một vệ tinh "kỳ lạ" của Nga dường như đang rình rập một vệ tinh quân sự bí mật của Mỹ trong không gian.

Các hoạt động đáng ngờ

Cụ thể, Business Insider đưa tin vệ tinh Kosmos-2558 của Nga được phóng vào không gian hồi tháng 8.2022. Theo trang Space.com, Kosmos-2558 đã bay trong mặt phẳng quỹ đạo gần giống với của vệ tinh quân sự USA-326 được Mỹ phóng trước đó. Kể từ đó, vệ tinh Nga thường xuyên bay sát USA-326.

Vệ tinh Nga, Mỹ chơi 'mèo vờn chuột' trong không gian? - Ảnh 1.

Vệ tinh Kosmos-2558 của Nga

EUROPEAN SPACE AGENCY

Các hành động bất thường của Kosmos-2558 và việc chính phủ Nga không đưa ra lời giải thích chính thức đã khiến các nhà quan sát vũ trụ tin rằng vệ tinh này đang rình rập USA-326. Theo Lầu Năm Góc, vệ tinh Nga đang thu thập thông tin tình báo thông qua hoạt động "trinh sát trên không".

"Đó thực sự là hành vi vô trách nhiệm", Tướng James H. Dickinson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ, nói với đài NBC News sau khi Nga phóng Kosmos-2558, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington sẽ tiếp tục theo dõi vệ tinh của Nga.

Các nhà quan sát không gian đã phân loại Kosmos-2558 là vệ tinh theo dõi, có khả năng di chuyển đến gần các vệ tinh khác và thu thập dữ liệu. Tờ The Independent cho biết ít nhất, đây là vệ tinh do thám thứ 3 mà Nga đã phóng nhằm thu thập dữ liệu từ các tàu vũ trụ của các nước khác.

Theo các chuyên gia, vệ tinh của Nga thường bay trong phạm vi khoảng 50 km so với mục tiêu Mỹ. Mặc dù khoảng cách này là khá xa để tạo ra nguy cơ va chạm, nó đủ gần để có thể thu được hình ảnh chi tiết. Các nhà quan sát cho rằng Kosmos-2558 có khả năng thu hình ảnh thậm chí còn tốt hơn vệ tinh Mỹ.

Tiếp tục rượt đuổi

Trong diễn biến mới nhất của "trò chơi trốn tìm" trong không gian, USA-326 đã bất ngờ chuyển sang một quỹ đạo cao hơn sau khi phát hiện thêm động thái đáng ngờ của Nga.

Cụ thể, theo The Independent, vào tháng 3, các nhà quan sát đã phát hiện Kosmos-2558 thực hiện thao tác nâng quỹ đạo để đạt độ nghiêng khoảng 35 km bên dưới USA-326.

Vệ tinh Nga, Mỹ chơi 'mèo vờn chuột' trong không gian? - Ảnh 2.

Tàu vũ trụ Soyuz của Nga sau khi được phóng vào không gian. Ảnh được chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế

NASA

Theo nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell, hành động của Kosmos-2558 buộc vệ tinh Mỹ phải đổi quỹ đạo để tránh bị theo dõi. Nhà quan sát vũ trụ Nico Janssen cũng đồng tình với ý kiến này. Ông cho biết vệ tinh của Nga tiếp cận USA-326 với khoảng cách gần 30 km vào ngày 7.4. Tuy nhiên, sau khi Mỹ thay đổi quỹ đạo của USA-326, khoảng cách ngắn nhất giữa hai vệ tinh này đã tăng lên 45 km.

Không phải lần đầu tiên

Theo Business Insider, đây không phải là lần đầu tiên các vệ tinh của Mỹ và Nga bám đuôi nhau trong không gian. Vào năm 2020, một tàu vũ trụ khác của Nga, Kosmos-2542, đã vài lần tiếp cận gần vệ tinh tình báo quang học USA-245 của Mỹ.

Cũng trong năm 2020, Lực lượng Vũ trụ Mỹ đã báo cáo rằng 2 vệ tinh bí ẩn của Nga đang theo dõi một vệ tinh do thám của Mỹ.

Vệ tinh của Nga theo dõi USA-326 như thế nào?

Theo Business Insider, việc 2 vệ tinh quay quanh trái đất trong cùng một mặt phẳng, tại cùng một thời điểm nhưng ở các tốc độ khác nhau, sẽ cho phép Kosmos-2558 thường xuyên đi qua mục tiêu Mỹ.

Ông Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Harvard (Mỹ) giải thích“Hãy tưởng tượng 2 vận động viên chạy vòng quanh một đường đua, nhưng chạy trên các làn khác nhau, và một người nhanh hơn người kia. Kết quả là thỉnh thoảng người này lại vượt qua người kia và sẽ có những đoạn họ gần nhau".

Mỗi lần vượt qua nhau thể là một cơ hội để chụp ảnh. "Tất cả những gì bạn phải làm là phóng vệ tinh của mình lên quỹ đạo cao hơn quỹ đạo (của vệ tinh) mà bạn muốn quan sát", theo chuyên gia McDowell.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.