Vài năm trước, cửa biển Tranh Đề (mà ngày nay ta gọi là Trần Đề, thuộc tỉnh Sóc Trăng) được xem là chốn u hoài, rất khó khăn bởi đường đi gian nan, vất vả. Khi con đường nam sông Hậu được mở rộng, kéo dài từ Cần Thơ đến Trần Đề với chiều dài hơn 100 km thì việc giao thông trở nên rất thuận tiện.
Xe chở tôi xuyên qua những khu ruộng lúa xanh mát, rẫy đu đủ chi chít quả, vạt ruộng dưa hấu thẳng tắp xanh um, những hàng dừa nghiêng mình soi bóng la đà… Tất cả giúp tôi phấn chấn, vừa đi và thỏa thuê ngắm cảnh.
tin liên quan
Nơi độc nhất ở Sài Gòn nửa đêm rợn người câu cá... 'âm phủ'Hàng trăm cần thủ tập trung về một hồ nước lớn nằm giữa nghìn ngôi mộ buông cần, câu những con cá mang danh "âm phủ" trong cảm giác đêm huyền bí như tìm cảm giác lạ.
Sau hai giờ xe chạy, tôi tìm tới Lịch Hội thượng, ngồi nghỉ bên ngôi chùa cổ Pô Thi Prưk, ngắm những cây quách ra trái to tròn lúc lỉu. Tiếp đó, tìm đường ra khu bãi Giá, Mỏ Ó, con đường nhỏ hẹp hướng ra cửa biển ngăn ngắt nắng trưa. Hai bên đường, những đìa tôm đặc ken xen lẫn nhau từng ô vuông vắn trên cánh đồng mênh mang.
Ở Trần Đề có một “trò chơi” do chính cư dân nơi đây sáng tạo ra, gọi là “đi mông”. Đang ngồi bệt bên chiếc cầu cạn đâm thẳng ra khu biển bùn lồng lộng gió, hình ảnh một cư dân đi mông xuất hiện đã làm tôi thích thú. Hỏi thăm, tôi được biết “đi mông” là một nghề mưu sinh của những người có gia cảnh nghèo ở Trần Đề.
Do đất ở đây hầu hết bị nhiễm mặn, không thể trồng trọt cây trái nên đời sống của cư dân vùng này chủ yếu dựa vào nguồn lợi tức từ việc nuôi tôm, lưới cá. Tuy nhiên, với các cư dân nghèo thì chuyện sở hữu vuông tôm là quá xa xỉ. Họ sáng chế ra mảnh ván trượt, dùng nó lướt băng băng trên các bãi bùn, thoải mái bắt vọp, chụp cá thòi lòi, ba khía, moi cua… để đắp đổi cuộc sống qua ngày.
Hồi xưa, tôm cá ê hề nên cuộc sống cư dân nơi đây hoàn toàn phó thác cho trời, nói chung, họ không bị đói bữa nào bởi sản vật phong phú. Hiện nay, về Trần Đề tôi nghe cư dân than: So với 10 năm trước, lượng cá tôm trên biển xem ra còn rất ít. Điều này được các nhà khoa học giải thích vì sự biến đổi khí hậu, vì việc xây những nhà máy nhiệt điệt bằng than đá nằm dọc hạ lưu sông Hậu và các bờ biển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã “góp phần” hủy hoại môi trường...
Tạm biệt Trần Đề, quay về Cần Thơ, lúc xe băng ngang khu quy hoạch xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú, một thoáng ưu tư xuất hiện trong tôi tự hỏi: những cư dân chất phác chỉ biết “đi mông” ở khu vực Trần Đề sẽ về đâu khi họ chưa kịp học hỏi, thay đổi để chọn cho mình hướng đi trong thời gian tới…
Bình luận (0)