'Vẽ' tranh bằng… chân

Bá Cường
Bá Cường
14/03/2023 12:00 GMT+7

Ngôi nhà nằm heo hút giữa vườn cao su, không gian yên tĩnh, ít người qua lại là nơi Hằng miệt mài "vẽ" nên những bức tranh bằng đôi chân co rút.

"MẮC KẸT" TRONG BỐN BỨC TƯỜNG

Có thể hình dung đấy chính là cuộc sống của chị Võ Thị Lệ Hằng (36 tuổi, TT.Nông trường Việt Trung, H.Bố Trạch, Quảng Bình) từ khi sinh ra cho đến nay. Căn bệnh quái ác đã cướp đi cơ hội làm một người bình thường, được vui chơi, đi đây đó của cô gái nhỏ nhắn.

Tai họa ập đến khi Hằng chỉ vừa lọt lòng mẹ 6 tháng. Sinh non, Hằng được cho nằm lồng ấp, sau đó bị sang chấn khiến tay chân teo cơ, xương, co rút các khớp. "Nguyên nhân cụ thể thì tôi không rõ, nhưng sau khi có một số trục trặc trong quá trình nằm lồng ấp thì Hằng bắt đầu có các biểu hiện bất thường. Chỉ sau vài tháng, hai tay của Hằng bị teo và co lại rõ rệt, thấy con vậy tôi xót vô cùng nhưng đành chấp nhận", bà Bùi Thị Thu Hà, mẹ của Hằng, kể lại.

'Vẽ' tranh bằng… chân - Ảnh 1.

Chị Hằng trong một lần “vẽ” tranh

BÁ CƯỜNG

Kể từ đó, cô gái chỉ quanh quẩn trong căn phòng nhỏ. Trong ngôi nhà nằm heo hút giữa vườn cao su, hồ tiêu ở TT.Nông trường Việt Trung, thi thoảng Hằng mới được ra ngoài, nhưng là khi... phải đi bệnh viện điều trị. Còn lại là những những năm dài buồn chán. "Lớn lên thấy bạn bè, em út đến trường, tôi tủi thân lắm. Tôi khóc biết bao nhiêu lần vì ấm ức, không thể đi lại tự do, thoải mái được như người ta. Hồi nhỏ, đêm nào cũng ước được ông tiên cho mình sáng mai thức dậy trở thành người bình thường để chạy nhảy ra thế giới rộng lớn ngoài kia", Hằng nhìn qua cửa sổ, tâm sự.

Năm 2001, bà Hà bán đi vài sào cao su, lấy tiền đưa con ra Hà Nội điều trị. Mọi thứ có tiến triển hơn, nhưng cũng chỉ là để các cơ, khớp của Hằng giãn ra và tập đi được những bước chập chững khi đã 15 tuổi.

'Vẽ' tranh bằng… chân - Ảnh 2.

'Vẽ' tranh bằng… chân - Ảnh 3.

Một bức tranh hoàn chỉnh

NHỮNG BỨC TRANH "MỞ CỬA" NHÌN RA THẾ GIỚI

Không được đến trường, không được tự do đi lại như hai đứa em ruột, cuộc sống chán nản của Hằng cứ thế kéo dài cho đến thời điểm biết đến Internet. Năm 2016, chị được tặng một chiếc máy điện thoại để liên lạc, kết nối với những người bạn cùng cảnh ngộ.

Bức tranh đầu tiên là về chủ đề phong cảnh, tôi thử đăng lên mạng xã hội để rao bán ngờ đâu lại bán được với giá gần 1 triệu đồng.

Chị Võ Thị Lệ Hằng

"Rồi cũng nhờ đó mà tôi biết cách lên Internet đọc tin tức, tình cờ biết đến nghề làm tranh đính đá. Loại tranh được in sẵn các hình ảnh, phủ một lớp keo và đính bằng các hạt nhựa màu sắc bằng một cây bút chuyên cho việc làm tranh. Nghĩ bản thân làm được nên cũng muốn thử nhưng làm gì có tiền để mua, gia đình lại hoàn cảnh khó khăn, chỉ mới thoát hộ nghèo được mấy năm gần đây", chị nói.

Thương con, bà Hà lúc đó vẫn cố gắng mua một bức tranh nhỏ, giá chỉ 150.000 đồng để con gái tập tành làm thử. "Ngờ đâu, từ bức tranh đó lại là cái để cuộc đời của Hằng tươi mới hơn", bà Hà cười nói.

'Vẽ' tranh bằng… chân - Ảnh 5.

Bà Hà luôn ở bên con gái

Chị Hằng tìm hiểu kỹ rồi cố gắng dùng chân nắm lấy bút "vẽ" tranh và thành quả đến với chị sau hơn 1 tháng tập tành. Trước đó, chị từng có thời gian tập viết bằng chân nên việc "cầm nắm" bằng đôi chân đã trở nên thành thạo. "Bức tranh đầu tiên là về chủ đề phong cảnh, tôi thử đăng lên mạng xã hội để rao bán ngờ đâu lại bán được với giá gần 1 triệu đồng, rồi được nhiều người tìm đến để đặt tôi làm tranh hơn", chị chia sẻ.

Đằng sau giá trị thẩm mỹ thì những bức tranh Hằng "vẽ" nên còn chứa đựng câu chuyện về nghị lực của nữ tác giả. Nên khi được các nhà hảo tâm biết đến, tranh đính đá của chị bán khá chạy, đặc biệt là những năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Giờ đây, chị vẫn đều đặn làm các bức tranh nhỏ, rao bán trên mạng xã hội. Có những thời điểm bà Hà lo lắng bởi con gái miệt mài làm tranh ngày đêm khiến cơ thể đau nhức. Nhưng cũng chỉ nhắc nhở thôi, vì bà hiểu rằng việc "vẽ" nên những bức tranh đối với Hằng là niềm vui duy nhất, là cầu nối để con gái bắt nhịp được với thế giới rộng lớn ngoài kia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.