Trước cuộc Thủ tướng đối thoại với thanh niên diễn ra, PV Thanh Niên ghi nhận các ý kiến, nguyện vọng của bạn trẻ nói những tâm huyết và mối quan tâm về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thanh niên.
Thu hút nhân tài
Trong luật Thanh niên 2020 đã nêu rõ các chính sách của nhà nước đối với thanh niên về học tập và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, cần có những hướng dẫn cụ thể và ưu tiên vào một số vấn đề cần hỗ trợ. Theo tôi, cần có hỗ trợ cho sinh viên trong việc phát triển đầu ra các sản phẩm nghiên cứu khoa học, như tiếp cận các doanh nghiệp đầu tư, các vườn ươm để triển khai sản phẩm trên thực tiễn; hay có những chính sách thu hút nhân tài với những sinh viên có năng lực và thành tựu nghiên cứu khoa học.
Trong luật Thanh niên cũng có đề cập đến bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Đây là chủ trương rất đúng đắn, nhưng trên thực tế việc thực hiện cần phải có những chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho thanh niên vùng khó khăn tiếp cận sâu hơn các kiến thức, cập nhật thông qua công nghệ thông tin. Đồng thời, cần đầu tư các cơ sở hạ tầng cho giáo dục vùng sâu, vùng xa để hiện thực hóa chủ trương này. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung đầu tư cho các trường đại học hay cơ sở giáo dục chất lượng cao, tạo nên các cực tăng trưởng về giáo dục, tiệm cận các trường hàng đầu thế giới. Có như vậy, chúng ta mới đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0.
Vũ Trí Tuấn (Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế quốc dân)
Hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp
Luật Thanh niên năm 2020 quy định về tạo điều kiện ưu đãi cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp từ Quỹ quốc gia về việc làm và các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, khảo sát thực tế tại một số ngân hàng thương mại cho thấy, các ngân hàng này không cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp. Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết nên các ngân hàng thương mại chưa có cơ sở để cho thanh niên vay khởi nghiệp. Thậm chí, các ngân hàng thương mại không biết có chính sách cho thanh niên vay vốn khởi nghiệp.
Thực trạng pháp luật chưa đi vào đời sống, dẫn tới chưa đảm bảo mục tiêu hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp trong luật Thanh niên năm 2020. Để tháo gỡ thực trạng trên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần ban hành văn bản quy định về việc giao các ngân hàng thương mại cho thanh niên vay khởi nghiệp. Chính phủ, Bộ Tài chính cần ban hành quy định hướng dẫn thanh niên có cơ hội tiếp cận vốn chủ sở hữu và các nguồn tài chính khác một cách hợp pháp, hiện thực hóa hoạt động khởi nghiệp.
Thạc sĩ Phạm Văn Tuyên (Ngân hàng Ngoại thương VN)
Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên: Người trẻ kiến nghị điều gì?
Cần có quỹ đầu tư khởi nghiệp do nhà nước khởi xướng
Hiện nay, nhà nước đã có nhiều chính sách cho thanh niên khởi nghiệp, tuy nhiên vẫn còn nhiều dư địa để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hơn nữa. Ví dụ, quỹ đầu tư cho khởi nghiệp do nhà nước khởi xướng vẫn chưa hình thành. Ở các nước như Israel hay Singapore, nhà nước góp phần thành lập quỹ này để dẫn dắt các doanh nghiệp và chịu rủi ro cùng khối doanh nghiệp tư nhân, đồng hành với một số quỹ đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa hình thành một cách đồng bộ và kết nối được mô hình doanh nghiệp trong trường đại học, các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức tăng tốc khởi nghiệp, để tạo môi trường cho sinh viên, thanh niên tham gia.
Theo tôi, để thanh niên, sinh viên mạnh dạn khởi nghiệp, nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa. Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích thanh niên khởi nghiệp và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, giúp họ tiếp cận với kinh nghiệm quốc tế, dám khởi nghiệp sớm hơn. Nhiều người dám làm đến cùng với ý tưởng sáng tạo của mình và được trang bị kiến thức, thái độ phù hợp thì xác suất thành công sẽ cao hơn.
Trần Quang Hưng (Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội)
Đổi mới trong chính sách khuyến khích tài năng trẻ
Hiện nay, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến học sinh, sinh viên tài năng. Cụ thể, các học sinh, sinh viên khi giành được các giải thưởng quốc tế đã được ghi nhận bằng các phần thưởng cao quý của nhà nước như: học sinh đạt huy chương vàng ở các kỳ thi Olympic quốc tế được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì; đạt huy chương bạc được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; huy chương đồng được khen thưởng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…
Để được khen thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, học sinh phải có thành tích là 2 năm liên tiếp giành được huy chương vàng Olympic quốc tế. Thực tế, đối với một học sinh đi thi Olympic quốc tế thì việc đạt 2 huy chương vàng ở 2 năm liên tiếp hay không liên tiếp cũng không có quá nhiều khác biệt, nếu xét về khía cạnh thành tích và sự nỗ lực, cố gắng. Vậy nên, liệu nhà nước có thể xem xét điều chỉnh để khích lệ các học sinh, sinh viên duy trì sự phấn đấu, nâng cao thành tích của mình mà không nhất thiết phải là 2 năm liên tiếp?
Ngô Quý Đăng (sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội))
Bình luận (0)