Về từ hành tinh ký ức - Kỳ 3: Những cái chết hai lần

19/11/2018 08:26 GMT+7

Còn xác người? Phải đốt khá nhiều xác người bị giết ở chùa Phi Lai đó cô. Không ai muốn đốt xác người cả. Chúng tôi là những người có đạo nên tôn thờ từng sợi tóc của người quá cố mà.

Theo lời kể của cô Tư Chỉnh, ở Ba Chúc, H.Tri Tôn, Tỉnh An Giang - nạn nhân của cuộc diệt chủng Ba Chúc.
Vết thương ở đầu, ở trán tôi bắt đầu hành. Lúc về nhà, Tư Long lấy xà bông bột quậy cho lên bọt gội đầu, rửa chỗ máu khô dính đầy tóc tôi. Máu khô bầm bầm trộn trong bọt xà bông... Rửa vết thương bể sọ bằng xà bông bột, nhớ tới tôi thấy sợ, chớ không hiểu sao vẫn sống được.
tham_sat_Ba_Chuc
Những xác người bị quân Polpot giết hại nằm trên cánh đồng Ba Chúc Ảnh tư liệu
Còn xác người? Phải đốt khá nhiều xác người bị giết ở chùa Phi Lai đó cô. Không ai muốn đốt xác người cả. Chúng tôi là những người có đạo nên tôn thờ từng sợi tóc của người quá cố mà. Nhà chúng tôi thờ từ ông bà cha mẹ tổ tiên đất nước đến thần phật đất trời, tất cả mười một cái bàn thờ. Theo đức Bổn Sư, chúng tin tưởng trên đầu mình có trời phật, những đấng thiêng liêng cao cả. Họ luôn chứng kiến từng hành động của mình. Mỗi người chết đều được làm ma chay cẩn thận, có mở cửa mả cúng kiếng bảy kỳ thất rất kỹ lưỡng. Trong suốt bảy kỳ thất cho tới khi xả tang, mỗi ngày đều có cúng cơm trên bàn thờ.
Như má chồng tôi, khi ba chồng tôi bị chết cùng với ba, bốn chục người do trái pháo rớt ngay chùa thì mọi người đi tản cư hết, chỉ có má chồng tôi vẫn ở nhà cúng cơm và làm thất cho ba chồng tôi. Chính vì ở lại làm thất mà má chồng tôi bị lùa đi suýt chút nữa là bị giết. Với má chồng tôi lúc đó an nguy của bà không quan trọng bằng những nghĩa cử đối với người chồng đã qua đời. Người chết họ cũng cần phải ăn, cũng cần phải sống, cũng cần nhà ở đẹp đẽ, thậm chí cũng có nhu cầu được giải trí vui chơi như người sống. Chúng tôi chăm lo cho đời sống người chết còn kỹ hơn chăm cho người sống. Vì chúng tôi đã mất họ rồi, quá thương tiếc rồi, cũng là vì chúng tôi biết, khi chết rồi, họ không còn làm được gì cho họ cả. Chỉ có mình, người đang sống mới có thể giúp được họ.
Vậy mà mọi thứ đảo lộn hết. Đốt xác người. Biết làm sao. Cuộc sống dường như chẳng có gì còn lưu giữ được. Làng xóm trở thành một đống rác khổng lồ, tưởng như cả trái đất này đều là xác người chồng lên lên xác người. Hôi không sống được. Cô nghĩ coi, ngày thường chỉ một xác người bị ương sình đã dậy mùi hàng nửa cây số. Đằng này hàng ngàn xác người nằm chất đống lên nhau, cùng dậy mùi một lúc. Chỗ chùa, thịt da người chết bị phân hủy, dòi tửa nó ruồng rút lầy lụa tràn ra nền chùa như bùn non, dày lên một lớp sâu gần cả gang tay. Những con dòi no mồi nó lớn nhanh không ngừng. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những con dòi to như vậy, bằng ngón tay người lớn, lúc nhúc vặn vẹo.
Mùi hôi đầy cả bầu trời. Ai cũng cảm giác người mình lúc nào cũng nồng mùi hôi nên đi tắm thay áo nhiều lần. Nhưng thay xong, ngửi áo quần vẫn nghe hôi. Ngửi bàn tay lúc nào cũng hôi tưởng như bản thân vừa bưng bợ những xác chết. Kì thật bàn tay rất sạch rồi, áo quần rất sạch rồi. Nhưng do mùi hôi đầy cả không khí, thấm vào da thịt, thấm vào từng xoang mũi thậm chí nó đã thấm vào tâm khảm của cư dân Ba Chúc nên tẩy kiểu gì cũng không sạch. Hễ đi xứ khác thì thôi mà bước về tới Ba Chúc là nghe mùi xác người ngột cả mũi. Mùi nồng tới mức không làm cho mũi quen mà làm cho mũi cảm thấy nặng và đầu óc như treo đá treo sắt.
Người sống còn phải sống nữa. Phải đốt thôi cô.
Cô cảm thấy bất nhẫn cho những nạn nhân lắm, tôi hiểu. Nhưng nếu cô chứng kiến những người sống sót lúc đó thì cô sẽ thấy người sống cũng đáng thương không kém gì người đã nằm xuống. Sơ sẩy một chút thì cả làng cũng chết sạch vì cái đói, vì bệnh tật. Lúc đó họ cũng sẽ như những người đã bị giết, xác cũng sẽ thành rác lây lất bên đường. Mà vốn dĩ lúc đó chúng tôi cũng giống như một miếng rác trong một đống rác lớn thôi.
Người sống không có cái ăn, cũng không có nhà ở. Cảnh gì bằng cảnh bị đốt nhà hả cô. Làng xóm nào cũng chỉ còn lại những lớp tro tàn. Tới đôi đũa còn không có. Mọi người che chòi che trại ở đỡ đặng lên rẫy trồng mì trồng đậu, trồng lúa. Phải lên núi Dài cắt lá tranh về lợp. Rồi lá tranh cũng không đủ mà lợp nữa, nói gì là thức ăn.
Dễ chết lắm cô. Trong làng không còn một chút gì để ăn được. Tụi Pol Pot có bỏ lại chút gạo, chút đường do rút vội không mang theo kịp. Nhìn thấy thèm lắm nhưng không ai dám ăn vì sợ nó bỏ thuốc độc trong thức ăn. Cuộc sống người dân Ba Chúc lúc đó chỉ khác những ngày lẩn trốn trong rừng ở cái khoản không bị lùng giết thôi chớ cái đói cũng y như vậy.
Thời đó không phải như thời bây giờ hễ nghe đói là khắp nơi ào về cứu trợ. Ba Chúc hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn nên không mấy người biết được chúng tôi đang đói khát từng ngày. Láng giềng của Ba Chúc là Lương Phi, Tri Tôn, Tịnh Biên cũng nghèo đói không hơn gì chúng tôi. Lúc này không ai còn nghĩ gì nhiều tới chuyện tâm linh nữa. Phải sống. Những người khỏe hơn thì đi đào củ nừng về ăn. Củ nừng rất khó ăn. Nếu tẻ không đúng nước thì ăn vô đau bụng chết luôn. Phải ngâm rồi tẻ bảy nước. Không ít hơn được.
Rau mọc ven đường, mọc trên sườn núi là mau có ăn nhất. Những cây rau dền to bất thường dù không ai tưới phân tưới thuốc. Cọng của nó bằng ngón chân, lá xòe bằng bàn tay. Đất núi khô cằn có bao giờ có những cọng rau tươi tốt cỡ như vậy. Chúng tôi biết nơi đó từng có những xác người rũ xuống, từng có máu người chảy qua. Phải, chúng tôi vẫn ăn thôi. Cái gì ăn không bị độc chúng tôi đều ăn. Kể cả những cọng rau mập mạp bất thường.
Ngay cả cá dưới đìa cũng vậy. Những ngày lũ tràn đồng, nhiều khi người đi bắt cá, thấy đầu người tóc sập sại trong nước, với tay vớt cái đầu lên thì chỉ còn tóc thôi, thịt da đã bị cá rỉa hết rồi. Cá lừ mặt nước trong mấy cái lung chỗ giồng Ông Tướng, bàu Điên Điển. Chưa bao giờ cá nhiều như vậy, nhiều tới mức nhìn thấy sợ. Chúng tôi biết vì sao. Chúng đánh hơi mùi thịt thối. Hàng ngàn xác người nằm dưới đáy đìa, thịt mỡ phân hủy nồng nặc mùi vốn dĩ là món ngon của bầy cá. Tụi nó mê lắm và mau lớn lắm. Chúng tôi vẫn ăn những con cá lớn đó.
***
Xác của nội, của ba má tôi, của anh em tôi cũng như gần hết dân Ba Chúc cứ phơi dưới nắng rồi phơi dưới mưa suốt mấy tháng mùa mưa, rồi chìm ngập trong màn nước suốt sáu tháng mùa lũ. Năm 78 (năm 1978 - NV) đó lũ lớn dữ lắm. Những người còn sống quá ít để làm chuyện chôn cất. Lại nhằm ngay năm cả nước đói kém. Biên giới vẫn chưa yên, nó vẫn pháo qua mỗi ngày, có khi tụi nó còn luồn vào núi Dài giết người. Những người lên núi Dài chặt củi, kiếm thức ăn đi hoài không thấy về, khi người thân đi tìm chỉ thấy gánh củi, nón nải ở đó còn người thì bị mất tích mà không rõ nguyên nhân.
Dạ đúng vậy, không nhận được xác người thân nào của tôi hết. Tôi chỉ biết ba tôi bị bắn chết chỗ núi Tượng vì lo cõng nội tôi. Biết vậy thôi cũng không lấy xác được.
Xác người cứ để đó. Mỗi hầm cả ngàn trong khi dân thì không còn sống mấy người, làm sao chôn cất được. Con gì tha được cứ tha. Nắng nôi, mưa gió riết rồi quần áo cũng mục. Thịt da thì bị rữa, bị tan, bị dòi đục từ lâu rồi.
Mùa vụ vừa xong lại tới nước lên. Nước linh binh khắp các cánh đồng. Nước ngập đất liền sâu một, hai thước. Chỗ lung đìa thì nước sâu mấy sải tay. Thì đúng là sau mùa nước, thịt da đã vô bụng cá hết rồi, chỉ còn lại cốt thôi.
***
Mùa hạn năm sau khi nước rút cuộc sống bình ổn hơn, mọi người mới dùng xe bò đi gom xương cốt. Tư Long cùng với ba người nữa đánh ba đôi bò đi gom cốt. Loại xe bò có thùng đó cô. Ra ruộng, xuống mấy cái lung mấy cái bào mò từng cái xương. Mớ thì lượm, mớ thì mò trong nước. Xương trẻ con mục hết, chỉ còn xương người lớn không hà.
Mỗi ngày đều đi gom cốt như vậy. Ba, bốn đôi bò lấy ròng rã cả tháng. Không lấy được hết đâu cô. Mấy ngàn người lận mà. Một số bị đất cát vùi lấp mò không thấy. Đành phải ngưng.
Rồi sau đó mấy người đi cày ruộng đi làm cỏ bắt đầu nhặt những cái sọ những khúc ống quyển đem về chùa tập hợp. Không còn biết ai là ai. Nhà chùa lấy lưới B40 vây lại như cái bồ rồi chất xương vô đó. Sau này mới làm mái che.
Tôi lúc đó đi trị thương hơn năm sau mới về. Về nhà, người cũng yếu nên chẳng làm gì giúp mọi người hết. Mà tôi cũng không có vô nhà mồ, cũng không trở lại núi Nước.
Lần nọ không có việc làm, tôi theo nhỏ em dâu bán cơm chỗ nhà mồ bây giờ đó cô. Bưng cơm vô chùa, nhìn thấy hình người nằm chết đủ kiểu, nhìn thấy hình nhà cháy, tôi đứng khóc mướt. Làm như tôi tủi thân. Làm như thấy được cảnh người thân mình bị chết. Mọi thứ của mười ngày khổ sở dường như tràn về y nguyên. Mà ngộ, sao lúc đang bị tơi tả thì không biết khóc lóc miếng nào hết.
Giờ thì cũng hết khóc rồi. Lúc dắt cô trở lại chỗ núi Nước, chỗ giồng Ông Tướng, nhìn thấy mấy cảnh cũ tôi không còn buồn khổ gì nữa. Cô thấy đó, tôi cũng hết cái cảm giác tủi thân. Mặc dù tôi biết, rất có thể dưới lớp ruộng chỗ tôi đứng cho cô chụp hình đó còn xác người thân tôi. Không biết được đâu vì lúc ấy bị dập dưới đó rất nhiều. Qua mấy mùa mưa nắng lụt lội, biết ai được đem về ai còn ở lại.
Rồi cũng quen. Giống như khi nhìn thấy những hài cốt trong chùa bị ẩm bị mốc, tôi cũng không thấy đau lòng gì nữa.
Lúc ông Gánh ở chùa thuê mấy đứa nhỏ ôm cốt ra sân phơi, nhìn những đứa trẻ ôm trong tay ba, bốn cái sọ người chạy tung tăng, tôi tự hỏi rằng má tôi, em tôi ở đâu trong số đó. Chỉ biết vọng trong ngàn người đó mà thương nhớ người thân. Tôi nói với con trai: “Con ráng làm giúp chùa đi con, đừng có lấy tiền nha con. Vì có ông bà ngoại, có mấy dì mấy cậu con trong đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.