Về việc Hàng lậu chọc ‘thủng’ đường biên: Phó thủ tướng yêu cầu lập đoàn kiểm tra

20/03/2014 09:40 GMT+7

Trả lời PV Thanh Niên chiều 19.3, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phụ trách công tác phòng chống buôn lậu, cho biết ông đã nắm được các thông tin hàng lậu “chọc thủng” đường biên trên Báo Thanh Niên.

Về việc Hàng lậu chọc ‘thủng’ đường biên: Phó thủ tướng yêu cầu lập đoàn kiểm tra
Công khai vận chuyển gạo lậu qua biên giới - Ảnh: Hà An

“Từ hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Nếu đúng như báo phản ánh thì đây là chuyện rất đáng lo ngại”, Phó thủ tướng nói.

 

Từ hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Nếu đúng như báo phản ánh thì đây là chuyện rất đáng lo ngại

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo Phó thủ tướng, trong ngày 19.3 ông đã ký văn bản yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai kiểm tra, xử lý về thông tin báo nêu, gửi báo cáo về văn phòng Chính phủ. “Về sự việc này, Ban Chỉ đạo 127 (Ban Chỉ đạo về phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại) địa phương phải tổ chức, thành lập ngay đoàn kiểm tra để làm cho rõ trách nhiệm”, Phó thủ tướng nêu rõ.

Cũng theo Phó thủ tướng, trong thời gian gần đây, tình hình buôn lậu đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới nên Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đổi mới hoàn thiện cơ chế, bộ máy chuyên trách về phòng chống buôn lậu. Ngày 19.3, Chính phủ đã chính thức công bố quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trên cơ sở nâng cấp Ban Chỉ đạo 127. Trong đó, Thủ tướng chỉ định Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch ủy ban này, đồng thời phó chủ tịch là bộ trưởng một số ngành liên quan.

Làm rõ trách nhiệm của địa phương

Trước những thông tin ông Nguyễn Thanh Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 127 tỉnh Lào Cai, khi trả lời PV Thanh Niên qua điện thoại, cho rằng “có buôn lậu gì đâu…”, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, khi trao đổi với PV Thanh Niên bày tỏ: “Buôn lậu không phải là cái kim ở trong bọc mà nó phơi bày ra cả hàng đoàn xe ô tô, tàu bè vận chuyển hàng lậu ngay sát biên giới. Lãnh đạo chính quyền địa phương mà đi nói không có gì đâu thì tôi cho rằng đó là thái độ vô trách nhiệm, vấn đề này phải được làm rõ”. Ông Cương nhắc lại trước đây đã có nhiều đại biểu QH chất vấn Bộ trưởng Công thương Nguyễn Huy Hoàng: Phải chăng đang có tiêu cực ngay cả trong lực lượng chống buôn lậu?, và cho biết: “Qua phản ánh của cử tri, của báo chí cho thấy tình trạng buôn lậu hiện nay có thể nói là rất khủng khiếp, không phải lén lút mà nhiều nơi rất công khai giữa ban ngày ban mặt. Một trong những yếu tố để các đối tượng buôn lậu lợi dụng là việc các địa phương có vùng biên cho mở các đường thông thương các mặt hàng nông sản của người dân biên giới. Các địa phương đều có cửa khẩu nhưng lại cho mở biên theo kiểu đường dân sinh là không đúng và không thể kiểm soát được”.

“Gạo chở lên nhiều quá...”

Trả lời Thanh Niên sau loạt bài Hàng lậu chọc “thủng” đường biên, ông Nguyễn Thanh Dương khẳng định không có việc vận chuyển gạo lậu qua biên giới sang Trung Quốc, mà chỉ có thể là người dân ven đường biên giao lưu trao đổi nông sản gồm: bí, ngô, khoai, sắn, chuối và dứa. Tuy nhiên, quá trình khảo sát, thâm nhập thực tế tại bến Quang Kim (xã Quang Kim, H.Bát Xát, tỉnh Lào Cai), chúng tôi đã quay được nhiều đoạn phim thể hiện rõ quá trình hàng chục cửu vạn là người bản địa vận chuyển gạo từ xe tải lên tàu, phà. Gạo đựng trong các bao tải dứa màu trắng và có trọng lượng 50 kg/bao, nhiều người được thuê để bốc gạo với giá 80.000 đồng/tấn.

Ông Trưởng ban Chỉ đạo 127 của tỉnh Lào Cai cũng khẳng định, tại khu vực giáp biên đồng thời là lối mòn mà người dân thường giao thương trao đổi nông sản sẽ có lực lượng biên phòng tuần tra canh gác. Song trên thực tế lại không hề thấy sự xuất hiện của bộ đội biên phòng cũng như lực lượng hải quan và việc vận chuyển gạo lậu qua biên giới diễn ra một cách công khai.

Cũng theo ông Dương, việc trao đổi hàng hóa không diễn ra nhộn nhịp, chỉ lác đác và chủ yếu là phục vụ nhu cầu của người dân sống ven đường biên. Thực tế, rất nhiều lượt xe tải trọng hàng chục tấn, với nhiều biển số từ các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên... chuyển gạo lên đây nằm nối đuôi nhau, chờ tới lượt bốc hàng ở lối mòn dẫn vào bến. Nhiều tài xế xe tải khi nói chuyện với PV còn than “gạo chuyển lên nhiều quá nên phải nằm lại bến hai hôm thì mới có tàu, phà để chở qua biên giới”.

Thái Sơn - Nam Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.