(TNO) Sáng 11.7, chúng tôi đến trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) để xem tình hình bà con đến đăng ký đặt vé trận Man City thế nào thì thấy cám cảnh quá. Trời mưa nặng hạt còn người mua thưa thớt.
Quang cảnh im lìm tại trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam - Ảnh: Xuân Vĩnh
|
VFF cắt cử lực lượng an ninh còn đông đủ hơn cả hôm qua ( bố trí thêm nhân viên thuộc Liên minh Bảo vệ G5) nhưng hôm nay mọi người làm việc khá nhàn. Thi thoảng lắm mới có khách tạt vào đăng ký nên cũng chẳng cần xếp hàng. Theo quy định, thời gian mở cửa để nhận mua vé là 9 giờ mà phải hơn một tiếng sau, mới có khách vào “mở hàng”.
“Lùm xùm” trong chiếc áo mưa bộ đội, anh Lâm Văn Quang, đơn vị đóng ở Sơn Tây nói: “Tôi được cử đi mua vé với số lượng 50 chiếc. Anh em cũng phải cân đo đong đếm mãi mới quyết định mua 30 vé loại mệnh giá thấp nhất 600 nghìn đồng. Số còn lại là mệnh giá 1 triệu đồng. Còn hai loại đắt kia thì không dám.
Cứ tưởng phải đông lắm nên tôi đi từ đơn vị vào 7 giờ sáng. Không ngờ đến đây thì vắng hoe. Cũng hy vọng được duyệt mua cả. Tôi nhận giấy hẹn rồi, mấy ngày nữa lại đến lấy vé”.
Anh Trung - đội phó đội bảo vệ VFF cho hay: “Trong cả ngày đầu tiên nhận đăng ký (10.7), có khoảng gần 400 khách đến VFF. Không xảy ra tình trạng mất trật tự, lộn xộn vì chúng tôi yêu cầu phải đứng xếp hàng, 5 người vào một lần.
Sáng nay, có thể do mưa hoặc do họ đặt hết vào ngày hôm qua nên cả sáng chỉ khoảng 40 khách đến đặt vé”.
Còn anh Đạt của tổ vệ sĩ do VFF thuê cũng cho hay, ở ngày đầu tiên, có khá nhiều phe vé đến đăng ký. “Đơn đăng ký chỉ cần lên website VFF tải về. Chiêu của dân phe là cứ giữ chỗ ở đấy. Nếu mấy hôm nữa, cảm thấy “nhiệt” tăng thì họ sẽ cân tất để bán ra ngoài với giá cắt cổ. Còn nếu thấy dân tình không thiết tha gì thì dân phe sẽ bỏ của chạy lấy người. Vì thế, sẽ có một lượng vé được đặt mua “ảo”. Tôi không rõ vào ngày bán vé trực tiếp (19.7), sức mua của khán giả sẽ thế nào?”. Cho đến 19 giờ ngày 10.7, số vé đăng ký mua qua đường công văn là 24.000 vé.
Trả lời báo chí cách đây ít ngày, ông Đỗ Quang Hiển - chủ tịch HĐQT SHB: “Chúng tôi khẳng định việc mời CLB hàng đầu nước Anh sang Việt Nam thi đấu trước hết là vì đông đảo người hâm mộ bóng đá nói riêng, yêu chuộng thể thể thao nói chung, không nhằm mục tiêu lợi nhuận”.
Khách đến VFF nhưng không phải để mua vé - Ảnh: Xuân Vĩnh
|
Cụm từ phi lợi nhuận một lần nữa được nhắc đến bởi ông Đặng Trung Dũng - phó Tổng giám đốc SHB trong cuộc họp báo hôm qua: “Chúng tôi chưa bao giờ đề cập về lỗ hay lãi ở thương vụ này mà chỉ nói sẽ bù vào bao nhiêu tiền để có thể đưa được Man City sang đây. Không phải bỗng dưng mà mời đươc họ. Phí ra sân rất cao, rồi còn phải đảm bảo việc đi lại, an ninh, bảo hiểm, thuế. 10.000 vé dành cho khách hàng SHB cũng chính là một kênh phát hành vé hữu hiệu vì họ cũng chính là khán giả như những người khác mà thôi”.
Còn ông Lê Hoài Anh - Tổng thư ký VFF cho hay: “Không nên nói giá vé cao hay thấp vì rất khó có căn cứ để so sánh về giá vé. Hơn nữa, cái gì cũng có giá trị đúng của nó. Chi phí cho chuyến du đấu của Man xanh là rất lớn mà nguồn thu từ vé sẽ chỉ là một phần nào bù đắp. Ban tổ chức không thể làm vừa lòng hết tất cả khi sức chứa của sân Mỹ Đình có hạn. Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị cam kết không bán vé lại để hưởng chênh lệch nhưng việc thực hiện tới đâu lại là câu chuyện rất khác. Điều này còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người hâm mộ. Hơn nữa, với sức hút của việc kiếm tiền chênh lệch, người hâm mộ trở thành “dân phe” cũng là điều khó tránh khỏi”.
Bình luận (0)