Vé xem nghệ thuật leo thang

10/01/2006 22:47 GMT+7

Cách đây 2 năm, Duyên dáng Việt Nam lần thứ 2 trở lại Hà Nội tại Cung văn hóa Hữu nghị, Ban tổ chức đề nghị đưa giá vé lên mức 500 ngàn đồng mà không được phép. Còn bây giờ, thị trường biểu diễn nghệ thuật ở Hà Nội đang chứng kiến những kỷ lục về giá vé.

Đêm nhạc duy nhất của Đặng Thái Sơn có giá vé 600 ngàn đồng mà khó có thể mua được một chiếc "chợ đen" với giá 100 USD. Chương trình Sự trở lại của mùa xuân tại SVĐ Mỹ Đình giữa mùa đông giá rét, giá vé ngoài trời thấp nhất cũng là 300 ngàn đồng và cao nhất là 1 triệu đồng. Đêm nhạc An Viên của nhạc sĩ Phú Quang giá vé cao kỷ lục 1 triệu đồng/vé cho một chỗ ngồi tầng trệt Nhà hát Lớn. Hai đêm diễn đông kín khách, tuy không phải là một bất ngờ lớn nhưng cũng khiến một nhân vật nhạy bén trong nghề tổ chức biểu diễn phải cảnh báo: sau thành công này của Phú Quang, chắc chắn giá vé xem chương trình ở Hà Nội sẽ còn leo thang.

Sau đó ít ngày, NSƯT Lê Hùng "đăng đàn" mạnh mẽ tuyên bố, sẽ dựng vở 100 phút cuối cùng của Hàn Mạc Tử - kịch hình thể kết hợp với thơ của tác giả Phan Cao Toại với giá vé có thể từ 50 USD đến 100 USD, người xem sẽ được xem tới 3 diễn viên đóng vai Hàn Mạc Tử, và đặc biệt còn được xem cảnh "cấm trẻ em dưới 16 tuổi": Mộng Cầm khỏa thân dưới trăng. NSƯT Lê Hùng còn nói thêm về lý do nâng giá vé cao hơn là "vì muốn khán giả phải biết rằng để ra mắt vở kịch này, chúng tôi đã phải vất vả lặn lội với nghệ thuật như thế nào".

Với giá vé như thế, NS Lê Hùng cũng lường trước, phục vụ khách Tây trước mắt rồi mới đến khách ta (!). Tuy nhiên, khi được hỏi, ông Trương Nhuận - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, hiện nay nhà hát chưa có chủ trương và thông qua ý tưởng của đạo diễn Lê Hùng về giá vé. Hiện tại, giá vé của nhà hát vẫn còn phải cân nhắc rất nhiều so với mặt bằng và nhà hát còn phải xem xét về khả năng thực thi của những ý đồ nghệ thuật cộng với sự đầu tư cho vở diễn nữa. Sân khấu Hà Nội vốn đã kén khán giả và đang tìm mọi cách lôi họ trở lại với rạp. Chất lượng chương trình vẫn là yếu tố hàng đầu. Với những người làm nghề, lôi được người xem đến trước khi tính chuyện "tăng giá vé" và thù lao.
"Giá vé đắt hay rẻ phải đến mới biết là tiền của người mua có xứng đáng hay không" - nhạc sĩ Phú Quang vừa "chào" vừa "mời" trước khi thực hiện Đêm nhạc An Viên của mình như vậy.

Nhiều người nhẩm tính, Phú Quang thắng to rồi! Tuy vậy, những gì là "khuyến mãi và gia tăng" mà Phú Quang nói trước đó đã không hẳn diễn ra đúng dự kiến: không có các ca sĩ "ngôi sao" tốn kém; đạo diễn thành danh Huỳnh Phúc Điền cũng không tham gia vì không thỏa thuận được ý tưởng với Phú Quang và không được mang ê-kíp từ Sài Gòn ra. Và cuối cùng, những gì mọi người đã thấy ở đêm An Viên vẫn là những gì của Phú Quang từ trước đến nay dẫu khán giả được tặng thêm đĩa nhạc (cũng là "của nhà trồng được"). Tham vọng của "bầu" Phú Quang là muốn nâng giá đêm nhạc để thành thương hiệu "sang trọng" như Đêm nhạc Toyota, Đêm nhạc Hennessy "quốc nội", song ở đêm "chuột bạch" - theo cách nói của Phú Quang thì những "giá trị gia tăng" chưa hoàn toàn hấp dẫn.
Những người làm chương trình Sự trở lại của mùa xuân với hơn 20 ngôi sao thị trường cũng cho biết, giá vé cao nhất chỉ là giá vé VIP dành cho các mạnh thường quân đóng góp vào quỹ từ thiện. Hiện tại, những chương trình ca nhạc bình thường có giá vé phổ biến là 120 - 150 ngàn đồng mà đã khó kín rạp và nguy cơ lỗ rất cao nếu như không có tài trợ. Ngược lại, để có nhà tài trợ, chương trình lại bị đòi hỏi là ít nhất phải có truyền hình...

Sân khấu giải trí đang lâm vào tình trạng khó. Muốn lôi được khán giả đến, chương trình phải có sự đầu tư đặc biệt, có chất lượng cao hoặc là phải sở hữu những giá trị không thể kiếm trên truyền hình như các nghệ sĩ cổ điển quốc tế chẳng hạn... Còn trong tình hình bây giờ, ai tung giá vé quá 300 ngàn đồng mà không có sẵn thương hiệu nghệ thuật, có đất quảng cáo và đầy ngôi sao coi như cầm chắc... bán nhà (!).

Chu Minh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.