Thử cách nào cũng thấy Vedan
Trình bày báo cáo kỹ thuật, thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó trưởng phòng Quản lý tài nguyên (Viện MT - TN, Đại học Quốc gia TP.HCM) nêu rõ: “Sông Thị Vải bắt đầu ô nhiễm từ khoảng năm 1994, ngay sau khi Công ty Vedan đi vào hoạt động với phạm vi và mức độ ô nhiễm ngày một gia tăng, kéo dài cho đến cuối năm 2008”. Cụ thể, báo cáo xác định ngay từ năm 1996, nước sông Thị Vải đã bị ô nhiễm đáng kể với khoảng 8 km tuyến sông. Mức ô nhiễm đạt tới cực điểm vào tháng 8.2008, thời điểm Vedan bị bắt quả tang lén xả thải ra sông Thị Vải.
Theo ông Hùng, các nguồn gây ô nhiễm đối với sông Thị Vải chủ yếu là từ các cơ sở sản xuất và các KCN trên lưu vực sông, trong đó “việc xả lén dịch thải sau lên men của Vedan” là nguồn gây ô nhiễm chính trong nhiều năm qua. “Báo cáo thanh tra của Tổng cục Môi trường năm 2006 và năm 2008 cho thấy, trong điều kiện xả thải bình thường, nước thải của Vedan cũng chiếm một tỷ lệ ô nhiễm lớn trong tổng số tất cả các nguồn xả thải từ công nghiệp ra sông Thị Vải. Đặc biệt, chỉ tính riêng phần dịch thải mà Vedan lén xả và bị phát hiện đã chiếm tới trên 95% tổng tải lượng các chất ô nhiễm như BOD, COD, TSS từ tất cả các nguồn xả thải ra sông Thị Vải gộp lại”, ông Hùng nói.
Khi Vedan không tiếp tục xả thải ra sông Thị Vải nữa, giảm bớt quy mô sản xuất, đầu tư cải thiện các hệ thống xử lý nước thải cùng với một số yếu tố khác, trên suốt chiều dài dòng chính của sông Thị Vải nhìn chung đã được cải thiện rõ rệt.
Tiến sĩ Bùi Bá Long, Trưởng phòng Tin học môi trường (Viện MT-TN), cho biết kết quả chạy mô hình Mike 21 - một trong những mô hình đánh giá mức độ ô nhiễm hiện đại nhất thế giới - với các yếu tố đầu vào từ năm 2008 cũng cho thấy, Vedan đã “đóng góp” tới 89,2% sự ô nhiễm sông Thị Vải.
Nông dân lãnh đủ
Viện MT-TN đã xác định được 2 khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm do nước sông Thị Vải gây ra. Vùng bị ảnh hưởng nặng nề gồm một phần của các xã Phước An, Long Thọ (H.Nhơn Trạch) và các xã Long Phước, Phước Thái (H.Long Thành) của tỉnh Đồng Nai; các xã Mỹ Xuân, thị trấn Phú Mỹ, Tân Phước (H.Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng diện tích tự nhiên là 157,9 km2, trong đó có 1.995,13 ha đất nuôi trồng thủy sản. Vùng này bị ảnh hưởng do nồng độ các chất ô nhiễm như DO, BOD5, COD... đủ gây chết hoặc làm chậm sự phát triển của các loài thủy sản.
Vùng bị ảnh hưởng nhẹ gồm một phần xã Phước An (H.Nhơn Trạch); một phần xã Tân Phước và xã Phước Hòa (H.Tân Thành), một phần xã Thạnh An của H.Cần Giờ (TP.HCM) với tổng diện tích tự nhiên của vùng này là 82,26km2, trong đó có 470,33 ha đất nuôi trồng thủy sản.
Vedan không chấp nhận
Thế nhưng đại diện Vedan, ông Yang Kun Hsiang, Phó chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Vedan, nhìn nhận “đồng ý với cách thức tính toán cũng như việc sử dụng mô hình Mike21 để xác định các thông số nêu trên” nhưng lại không chấp nhận kết quả xác định Vedan đã đóng góp trên 89% ô nhiễm sông Thị Vải. “Trên lưu vực sông còn có nhiều doanh nghiệp hoạt động và xả vào sông Thị Vải. Chúng tôi không tán thành việc so sánh xả thải bất thường của Vedan với xả thải bình thường của các DN ở các KCN khác trên lưu vực sông. Ngoài ra, các yếu tố đầu vào cũng chưa thuyết phục, phía Viện đã không đưa các nguồn ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, tàu thuyền, bến cảng... vào để tính toán”, ông Yang Kun Hsiang lý luận. Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến hỏi: Nếu không đồng ý với con số 89% do Viện đưa ra thì các ông có thể đưa ra con số nào mà phía Vedan cho là hợp lý? Ông Yang nói là phía công ty không có đầy đủ số liệu để tính toán!
Ông Lương Duy Hanh, Phó chánh thanh tra Tổng cục Môi trường, khẳng định trong thời gian qua, ngoài Vedan, cơ quan chức năng VN chưa ghi nhận DN nào khác xả trộm chất thải ra sông Thị Vải. “Tôi nghĩ con số trên 89% mà Viện đưa ra như đã trình bày trong báo cáo là còn hơi thấp”, ông Hanh nói và khẳng định: “Chúng tôi có số liệu của từng KCN tại từng vị trí và nhiều thời điểm khác nhau. Vì thế mà hoàn toàn có thể tính toán được mức độ “đóng góp” ô nhiễm của từng DN một”...
Kết thúc một ngày tranh luận khá gay gắt, các bên liên quan mới đồng ý ký vào biên bản cuộc họp. Theo đó, Vedan thừa nhận “đã từng gây ô nhiễm nặng dòng chính của sông Thị Vải khoảng 10 - 11 km”.
Quang Duẩn
Bình luận (0)