Từ lâu FIFA luôn là cỗ máy tiêu tiền với công suất cao. Quan chức FIFA đi dự các cuộc họp luôn được “sống trên nhung lụa” và được đối xử không thua gì những ông hoàng. FIFA giàu đến nỗi họ thể hiện quyền lực mọi lúc mọi nơi.
>> Vén màn bí mật FIFA - Kỳ 4: Chủ nghĩa cơ hội của Sepp Blatter
>> Vén màn bí mật FIFA - Kỳ 5: Platini thành công như thế nào?
FIFA là một cỗ máy kiếm ra tiền thật nhiều và chi tiêu cũng hết sức dữ dội - Ảnh: AFP
|
Tiền phòng rẻ nhất ở khách sạn Le Bristol tại Paris là 400 euro/đêm. Phòng suite đắt nhất có giá gần 5.000 euro/đêm. Mỗi khi FIFA có việc cần họp bàn ở Paris thì Chủ tịch Sepp Blatter luôn phải bảo đảm rằng không có chuyện khách sạn ưa thích của ông trả lời "hết phòng". Mà các thành viên Ban Chấp hành FIFA hiếm khi tham dự hội nghị một mình. Còn phải cung phụng "bầu đoàn thê tử" của họ nữa.
Đấy chỉ là một ví dụ. Từ Paris đến London, từ Rio de Janeiro đến Doha, các quan chức FIFA đi đâu mà không yêu cầu dịch vụ tốt nhất, không tiền hô hậu ủng? Tính ra, mỗi năm FIFA phải chi đến hàng chục triệu euro tiền di chuyển, ăn ở cho chuyện họp hành của các thành viên ban chấp hành. Đấy là chi phí phát sinh. Chi phí hoạt động cố định cho Ban Chấp hành FIFA là khoảng 2 triệu euro/năm. Ngoài ra là chi phí cho hoạt động của văn phòng chủ tịch, cho trụ sở FIFA ở Zurich... Tính ra, có đến hàng trăm hạng mục lớn bé để FIFA chi tiền mỗi năm. Đấy luôn là một cỗ máy tiêu tiền vận hành với công suất cao.
Vậy nên, khoan bàn đến các vấn đề tiêu cực, sổ sách thu chi của FIFA không bao giờ là thứ có thể quản lý dễ dàng. Mỗi khi bàn về FIFA, người ta thường nhắc đến một đề tài quen thuộc: công khai, minh bạch tài chính. Xin nhắc lại: không dễ. Khổ nỗi, tiết kiệm không bao giờ là việc cần hoặc nên làm của FIFA. Tại World Cup 2014, FIFA lãi khoảng 4 tỉ USD. Trong những năm không có World Cup, FIFA kiếm khoảng 1,2 tỉ USD. Trên nguyên tắc, đấy là tổ chức phi lợi nhuận. Kiếm được bao nhiêu tiền thì FIFA phải tiêu xài cho hết bấy nhiêu, nếu không muốn số tiền thừa trở thành... gánh nặng buộc họ phải nghĩ thêm cách giải quyết.
Tất nhiên, tiền của FIFA phải được tiêu xài cho FIFA và cho các quốc gia thành viên FIFA. Không nhất thiết phải là công thức cố định, nhưng FIFA thường "cho" mỗi quốc gia thành viên khoảng 1 triệu USD. Trừ đi khoảng chục cường quốc bóng đá, đa số còn lại trong "đại gia đình FIFA" không bao giờ coi đó là món tiền nhỏ. Nhưng, 1 triệu USD nhân với 209 LĐBĐ quốc gia thì kết quả vẫn chỉ là khoảng 20% lợi nhuận mỗi năm. FIFA vẫn phải đẩy mạnh chi tiêu.
Vậy nên, CLB giàu nhất trong thế giới bóng đá không hề là Paris SG của Tập đoàn Qatar Sports Investments, càng không bao giờ là Manchester United, Barcelona hay Real Madrid. Những đội bóng nhà giàu ấy mà... sạch nợ là đã quá mừng. CLB giàu nhất trong thế giới bóng đá chính là "CLB FIFA", tức Chủ tịch Sepp Blatter và khoảng vài chục quan chức vây quanh ông ta. Khi có sự kiện bóng đá, tức các quan chức FIFA có việc phải làm, đấy luôn là những lúc mà họ phải cố tận hưởng cuộc sống đế vương ở những nơi chốn sang trọng. Đấy là những lúc mà cỗ máy tiêu tiền FIFA phải cố vận hành cho hết công suất. Sự kiện trôi qua mà các quan chức FIFA chưa tiêu hết quỹ thì đấy không phải là chuyến công tác thành công tốt đẹp.
Nguồn thu chủ yếu của FIFA là bản quyền truyền hình, bản quyền hình ảnh và tiền tài trợ của các đại gia kinh tế vốn chỉ lo không được tài trợ cho những sự kiện mà cả thế giới quan tâm theo dõi. Câu hỏi đặt ra: đã có những nguồn thu kếch sù và dễ dàng như vậy, các quan chức FIFA còn phải tham nhũng, phải ăn hối lộ làm gì (thực tế cho thấy, đã có hàng loạt quan chức cao cấp của FIFA bị loại ra khỏi thế giới bóng đá vì hối lộ như Reynald Temarii, Amos Adamu, Jack Warner, thậm chí là Chủ tịch AFC kiêm Phó chủ tịch FIFA Mohammed Bin Hammam)?
Đấy là vì: tiền của FIFA thì phải chi tiêu cho FIFA, cho bóng đá, chứ không phải cho bất kỳ cá nhân nào. Còn chuyện hối lộ, tham nhũng của các cá nhân lại là vấn đề khác, chủ yếu liên quan đến quyền lực của họ trong thế giới bóng đá.
Bình luận (0)