|
Ngày 10.12, truyền thông Triều Tiên đưa tin về phản ứng của người dân trước việc Bình Nhưỡng tước quyền ông Jang Song-thaek, dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận đảng Lao động Triều Tiên, cho biết công dân nước này nổi giận trước “những tội ác” của ông Jang và thề sẽ “đốt chết” hoặc “cắt cổ” ông. Trước đó một ngày, CHDCND Triều Tiên xác nhận ông Jang bị tước mọi chức vụ. Theo hãng thông tấn KCNA, ông Jang, 67 tuổi, phạm nhiều tội nghiêm trọng như xây dựng thế lực riêng với mưu đồ chống phá cách mạng, lạm quyền…
Bản di chúc của ông Kim Jong-il
Theo tờ Chosun Ilbo ở Hàn Quốc, với vai trò lãnh đạo tạm quyền sau khi ông Kim Jong-il, cha ông Kim Jong-un, bị đột quỵ vào năm 2008, ông Jang đã loại bỏ một số đối thủ trong đảng và cài cắm người của mình vào các vị trí trọng yếu. Khi ông Kim Jong-il qua đời vào cuối năm 2011, ông Jang được xem là “người chống lưng” cho ông Kim Jong-un trong thời kỳ đầu nắm quyền.
Tuy nhiên, chuyên gia Lee Yun-keol thuộc Trung tâm thông tin chiến lược Triều Tiên ở Seoul tiết lộ, ông Kim Jong-il có để lại một di chúc cảnh báo về “những kẻ lập bè phái ở hậu trường” và nhấn mạnh cần chuẩn bị ứng phó những phần tử này, dù không nêu trực tiếp tên ông Jang. Tờ Chosun Ilbo dẫn lời chuyên gia Lee cho hay ông Kim Jong-un cùng anh trai Kim Jong-chol, chị gái Kim Sul-song và người cô Kim Kyong-hui, vợ của ông Jang, đã chuẩn bị kế hoạch bắt ông này từ năm ngoái.
Lập đội đặc nhiệm
Để canh chừng ông Jang, Kim Jong-un được cho là đã đề bạt và trọng dụng ông Choe Ryong-hae, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội nhân dân Triều Tiên. Bên cạnh đó, chuyên gia Lee cho hay: “Ông Kim Jong-un cùng anh trai Jong-chol thường bàn luận các vấn đề với nhau vào cuối tuần. Jang-chol giám sát an ninh cho em trai”. Lãnh đạo Kim đã bí mật lập một đội đặc nhiệm do Jong-chol chỉ huy để lên kế hoạch hạ bệ ông Jang. Đội này chỉ gồm một số sĩ quan thuộc đơn vị cận vệ của lãnh đạo Kim. Đến đầu tháng 11.2013, đội đặc nhiệm trình lên ông Kim bản báo cáo về tội trạng của ông Jang. Ông Lee cho hay thông tin của ông đã được một nguồn tin từ đội cận vệ của ông Kim xác nhận. Theo đó, vào khoảng ngày 8.11.2013, sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, ông Jong-chol dẫn một nhóm binh sĩ đến bắt ông Jang. “Chủ nhiệm Choe Ryong-hae không có thẩm quyền bắt ông Jang và Cơ quan An ninh nhà nước cũng không được phép can thiệp, nên Jong-choi huy động cận vệ của em trai và đặc vụ an ninh tiến hành cuộc thanh trừng”, ông Lee suy đoán. Ông này cho rằng ông Jong-chol còn đứng sau vụ xử tử hai phụ tá của ông Jang.
Số phận vợ ông Jang
Ngày 9.12, KCNA đưa tin ông Jang bị tước mọi chức vụ, kèm theo là hình ảnh ông Jang bị đuổi ra khỏi một cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng. KCNA không nói rõ bức ảnh đó được chụp khi nào nhưng trong cùng ngày, hãng này lại đăng ảnh về cuộc họp của Bộ Chính trị diễn ra ngày 8.12. Trong khi đó, Đài Radio Free Chosun, có trụ sở tại Seoul, dẫn một số nguồn tin ở Bình Nhưỡng cho hay ông Jang cùng 6 thuộc cấp đã bị hành quyết vào ngày 5.12 và bức ảnh trên được chụp trước đó.
Sau vụ thanh trừng ông Jang, dư luận đang quan tâm tới số phận của vợ ông, là bà Kim Kyong-hui, cô của Kim Jong-un. Cholsun Ilbo ngày 10.12 dẫn lời Giáo sư Kim Keun-sik thuộc Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) cho rằng bà Kim vẫn an toàn vì đã cắt đứt quan hệ với chồng kể từ khi ông Kim Jong-il qua đời. Tuy nhiên, sức khỏe của bà được cho là đang suy giảm vì nhiều nguyên nhân như nghiện rượu, cuộc hôn nhân không hạnh phúc cùng nỗi đau mất con gái hồi năm 2006. Do đó, giới phân tích cho rằng vị trí của bà có thể sẽ được để lại cho bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un. Ngoài ra, ứng viên sáng giá thay thế ông Jang là ông Choe Ryong-hae.
Phản ứng quốc tế
Phản ứng về vụ ông Jang, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm qua cáo buộc lãnh đạo Kim Jong-un có hành động bạo lực mang tính cực đoan để củng cố quyền lực và cảnh báo mối quan hệ liên Triều có thể bất ổn trong tương lai, theo Yonhap. Cùng ngày, chính phủ Nhật tuyên bố sẽ theo dõi tác động của vụ ông Jang. Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 9.12 nhấn mạnh vụ thanh trừng ông Jang là chuyện nội bộ của Triều Tiên, theo Tân Hoa xã. Trong khi đó, báo The Korea Times ngày 9.12 dẫn một số nguồn tin cho hay Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc đang âm thầm chạy đua bắt giữ một phụ tá của ông Jang vốn đào tẩu sang Trung Quốc vào khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.2013. Người phụ tá này được cho là quản lý những tài khoản riêng của ông Jang và biết rõ về các quỹ tài chính thuộc gia đình ông Kim Jong-un. Do đó, ngoài Trung Quốc và Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc cũng muốn có được nhân vật này để khai thác thông tin mật của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm qua khẳng định không có bằng chứng cho thấy phụ tá của ông Jang đào tẩu sang Trung Quốc, theo Yonhap.
Văn Khoa
>> Hé lộ nguyên nhân dượng ông Kim Jong-un bị hạ bệ
>> Báo chí Trung Quốc: Nên mời gấp ông Kim Jong-un sang Bắc Kinh
>> Ai đứng sau vụ hạ bệ dượng ông Kim Jong-un?
>> Bốn nước ‘đua bắt’ trợ lý của dượng ông Kim Jong-un
>> Triều Tiên luận tội dượng Kim Jong-un
>> Dượng của ông Kim Jong-un cầm đầu một 'tổ chức phản cách mạng
Bình luận (0)