Không những vậy, cuối tuần qua, ít nhất hai hãng hàng không quốc tế lớn là Lufthansa và LATAM Airlines cho hay họ sẽ tạm ngưng cung cấp dịch vụ bay đến Venezuela trong những tháng tới vì khủng hoảng kinh tế. Sự khan hiếm hàng hóa trên diện rộng và hiện tượng các doanh nghiệp đồng loạt “tháo chạy” phản ánh tình trạng khủng hoảng của một đất nước.
“Có sự thiếu hụt ở một mức độ nào đó”, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Venezuela Ricardo Cusanno nói, đề cập đến việc 85% doanh nghiệp nước này đã và đang ngừng sản xuất phần nào.
tin liên quan
Hàng loạt hãng hàng không ‘tháo chạy’ khỏi VenezuelaThêm một dấu hiệu nữa cho thấy kinh tế Venezuela đang vướng vào rắc rối lớn: ngày càng có ít chuyến bay cất cánh và hạ cánh trên các đường bay nước này.
Nền kinh tế Venezuela, nước sở hữu trữ lượng dầu đã được chứng minh lớn nhất thế giới, đang lao vào cảnh suy thoái, theo CNN. Tuy nhiên, chính quyển Venezuela vẫn không cắt giảm chi tiêu chính phủ đắt đỏ dù giá dầu giảm một nửa giá trị trong hai năm qua.
Ngoài kinh tế, Venezuela còn chật vật với cuộc bất ổn chính trị, chịu đựng một đợt hạn hán, đấu tranh với virus Zika. Người dân Venezuela đã và đang gặp khó khi phải lấy thuốc từ các bệnh viện với trang thiết bị y tế khan hiếm.
Dưới đây là cái nhìn sơ lược về cuộc khủng hoảng mà quốc gia Nam Mỹ đang phải trải qua.
Vấn đề vệ sinh
|
Vật dụng dùng trong nhà vệ sinh đang khan hiếm trên cả nước. Nhiều người Venezuela nói rằng họ phải chờ đợi trong dòng người dài vài giờ đồng hồ để mua đồ dùng vệ sinh cơ bản, sau đó bán lại chúng với giá cao hơn trên thị trường chợ đen.
Năm ngoái, Bloomberg cho hay nước Trinidad & Tobago đã đề nghị được đổi khăn giấy để lấy dầu với Venezuela. Không rõ liệu thỏa thuận này có thành hiện thực hay không.
Bao cao su và thuốc ngừa thai cũng khó tìm. Nếu bạn đi mua kem đánh răng, xà phòng, giấy vệ sinh hay dầu gội đầu thì tình hình cũng không khá hơn. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng yêu cầu phụ nữ Venezuela ngừng sử dụng máy sấy.
Cô Glenda Bolivar sống ở thủ đô Caracas.Thổi khô tóc bằng mấy sấy tại tiệm salon tóc yêu thích đã trở thành thói quen hằng ngày của cô song gần đây, điều này đã dừng lại. “Không bao lâu nữa, chúng tôi có thể chỉ còn sử dụng nến như ngày xưa”, Bolivar nói với CNN hồi cuối tháng 4.
Thiếu thực phẩm: bơ, bánh mì, đường
|
Chính phủ Venezuela hiện cạn kiệt nguồn thu và dự trữ, nên không đủ trả tiền nhập khẩu các mặt hàng cơ bản như sữa, bơ, trứng và bột mì. Nước này cũng giảm đáng kể lượng đường sản xuất do chính phủ kiểm soát giá cả và không có khả năng chi trả cho phân bón nhập khẩu. Hôm 23.5, Coca-Cola ở Venezuela cũng cho hay họ phải ngừng sản xuất nước ngọt và các loại đồ uống khác vì thiếu đường.
Alejandro, cư dân 23 tuổi ở thành phố Maracaibo, đã học được cách sống mà không cần đến bơ trong một tháng. Anh và bố mẹ anh cũng có thể sống được mà không có bánh mì trong vài tuần. Thay vào đó, họ ăn arepas, một loại thực phẩm làm từ bột mì.
Theo tỷ giá hối đoái không chính thức mà nhiều người Venezuela đang sử dụng thì Alejandro kiếm được 57 USD/tháng với công việc tại một hãng luật vào buổi sáng và giảng dạy vào buổi tối. Đôi khi, Alejandro trả 2 USD, tức 4% thu nhập hằng tháng của anh cho một hộp bơ mua trên thị trường chợ đen để không phải xếp hàng đợi vài giờ.
Dù khó khăn như thế, anh cho rằng mình là một trong những người may mắn ở Venezuela. “Mọi thứ chỉ là khủng khiếp. Không có gì tốt ở Venezuela hiện giờ hết”, Alejandro nói.
Cúp điện
|
Hiện Venezuela cúp điện luân phiên. Đập El Guri, nguồn tạo ra năng lượng chính của đất nước, đang có mực nước thấp kỷ lục.
Để tiết kiệm năng lượng, Tổng thống Maduro ra lệnh cúp điện luân phiên tại các thành phố trên khắp Venezuela ít nhất trong tháng 4 và tháng 5. Ông cũng cắt giảm tuần làm việc xuống còn chỉ hai ngày đối với các nhân viên chính phủ.
Khi Alejandro dạy học ban đêm, anh phải dùng đèn pin trên điện thoại di động của mình để các sinh viên không phải học trong bóng tối nếu lỡ bị cúp điện. Thành phố Maracaibo mất điện 3 giờ mỗi ngày trong tháng 5.
Khủng hoảng y tế
|
Venezuela thiếu khoảng 80% vật tư y tế cơ bản cần thiết để điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân, theo Liên đoàn Dược phẩm Venezuela. Nhiều người nằm viện thiếu thuốc men và trang thiết bị chăm sóc.
Jose Luis Vazquez là người trải qua cơn ác mộng đó. Ông sống sót sau khi bị bắn vào ngực và các y bác sĩ cho hay ông cần tiểu phẫu. Ông phải nằm viện những ngày sau đó và chi trả cho mọi thứ, từ đồng hồ đo, ống chích cho đến nhiều dụng cụ khác.
“Chẳng có gì trong bệnh viện này”, Vazquez chia sẻ với kênh CNN đầu tháng 5 tại Valencia, thành phố cách Caracas 100 dặm.
Bán vàng, ít tiền mặt
Chính phủ Venzuela đã và đang sử dụng dự trữ ngoại hối của họ để xoay sở trước các khoản nợ. Venezuela chỉ có 12,1 tỉ USD trong dự trữ ngoại hối tính đến tháng 3, theo số liệu gần đây nhất mà ngân hàng trung ương nước này đưa ra.
12,1 tỉ USD chỉ bằng một nửa so với lượng dự trữ cách đây một năm. Để vay tiền mặt và trả nợ, Venezuela phải vận chuyển 2,3 tỉ USD vàng đến Thụy Sĩ như một tài sản thế chấp, theo số liệu nhập khẩu chính phủ Thụy Sĩ. Giới chuyên gia cho rằng Venezuela có thể sẽ vỡ nợ vào mùa thu này.
tin liên quan
Khủng hoảng trầm trọng, Venezuela cầu viện Trung QuốcVenezuela tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc để có những điều kiện tốt hơn về việc trả nợ cũng như các khoản đầu tư giữa lúc đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Bình luận (0)