Venezuela thiếu thức ăn đến mức nào?

12/08/2016 13:21 GMT+7

Bạn kể ra thứ gì, Venezuela thiếu thứ đó: Thịt, cá, trái cây, đường, bánh mì. Chính phủ Venezuela không đủ tiền chi trả cho thực phẩm.

Một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra ở Venezuela, nơi người dân không có đủ thức ăn. Cướp bóc và bạo loạn làm rung chuyển đất nước. Sự sụt giảm trong xuất khẩu các loại thực phẩm đến Venezuela càng làm nhiều người kinh ngạc.
Hãng tin Mỹ dẫn ra vài ví dụ: Các chuyến hàng chuyển bánh mì đến Venezuela giảm 94% trong nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, chỉ có 216.000 USD bánh mì được chuyển đến, còn năm ngoái có đến 3,5 triệu USD bánh mì. Xuất khẩu thịt đến Venezuela giảm 63%, từ 350 triệu USD năm ngoái xuống còn 127 triệu USD năm nay. Trái cây như chuối, dâu tây giảm 99%, từ 21 triệu USD xuống còn 159.000 USD. Cá giảm 87%, đường giảm 34%.
Các số liệu được hãng phân tích dữ liệu thương mại toàn cầu Panjiva đưa ra. Công ty lấy số liệu từ Liên Hiệp Quốc (UN), hải quan Mỹ và chính phủ các nước khác. Cụ thể, những con số trên được lấy từ số liệu xuất khẩu từ Mỹ, Brazil, Colombia, Ecuador và Chile. Venezuela có thể nhận được thực phẩm từ các nước khác không có mặt trong bảng phân tích này.
Venezuela “không thể mua bánh mì, thịt và tất cả những gì bạn thực sự có thể nhận được là ngũ cốc, mặt hàng rất, rất cơ bản”, nhà phân tích nghiên cứu Chris Rogers tại Panjiva nói.
Kinh tế quốc gia Nam Mỹ đang rơi vào cuộc suy thoái sâu và nước này nhanh chóng cạn dần tiền mặt. Vấn đề trọng yếu trong chuyện Venezuela không có khả năng thanh toán các hóa đơn là nội tệ, đồng bolivar, giảm mạnh giá trị trong vài năm qua. Điều này khiến việc chi trả cho thực phẩm trở nên đắt đỏ.
“Người Brazil không muốn bán thịt cho Venezuela. Đây không phải là chuyện chính trị, chỉ là người Venezuela không có tiền”, ông Rogers nói.
Dù vậy, xuất khẩu một số loại thực phẩm cơ bản có đi lên. Ngô Mỹ xuất khẩu sang Venezuela tăng từ 140 triệu USD năm ngoái lên 239 triệu USD năm nay. Xuất khẩu rau cũng tăng từ 102.000 USD lên 270.000 USD.
Số liệu của hãng Panjiva cho thấy ước tính rộng lớn hơn. Bank of America dự báo kim ngạch nhập khẩu của Venezuela giảm từ 40% đến 45% trong năm tháng đầu năm nay so với năm ngoái. Chính phủ Venezuela không công bố dữ liệu nhập khẩu đáng tin cậy.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Venezuela là nền kinh tế thể hiện tệ nhất thế giới trong năm nay. Nước này được dự báo sụt giảm 10% năm nay và lạm phát có thể tăng vọt lên hơn 700%.
Chính phủ Venezuela có vẻ ưu tiên việc thanh toán nợ thay vì giải quyết tình trạng thiếu thực phẩm. Người dân Venezuela xếp nhiều hàng dài chờ đợi bên ngoài các siêu thị, nhưng thật khó để tìm thấy bánh mì, trứng và các mặt hàng cơ bản khác.
Ngoài thực phẩm, Venezuela còn thiếu thuốc cơ bản. Đây là tình cảnh cực kỳ bi thảm dành cho đất nước có trữ lượng dầu đã được minh chứng lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, một trong những nước láng giềng của Venezuela lại là Brazil, quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu.
Dù thiếu thốn, Venezuela vẫn từ chối nhận viện trợ nhân đạo và thực phẩm từ các tổ chức như UN và Tổ chức Ân xá Quốc tế. Hiện tại, chính quyền Venezuela với sự dẫn dắt của Tổng thống Nicolas Maduro đang cố gắng cải tổ ngành nông nghiệp nước nhà, vốn thiếu đầu tư đáng kể trong thời gian dài, để giải quyết thực trạng thiếu thức ăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.