Chấn động, va đập sẽ gây tổn thương cho các mô bên dưới da. Trong một số trường hợp, các mạch máu như tĩnh mạch và mao mạch bên dưới da sẽ bị vỡ, khiến máu rò rỉ ra xung quanh. Những gì chúng ta thấy trên da sẽ là vết bầm, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Vết bầm nếu kèm theo sưng đau ở vùng da xung quanh, không thể cử động khớp, cơ bắp hoặc chi ở vùng bị chấn thương thì cần phải đi khám bác sĩ ngay |
SHUTTERSTOCK |
Từ lúc mới bị đến khi lành, vết bầm sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và thay đổi màu sắc. Một vết bầm mới sẽ có màu đỏ. Sau 1 đến 2 ngày thì vết bầm chuyển sang màu đen, xanh hoặc tím. Nguyên nhân là do các tế bào hồng cầu bị rò rỉ khỏi mạch máu bị mất dần ô xy.
Trong 5 đến 10 ngày sau, vết bầm sẽ có màu xanh lục hoặc vàng. Lúc đó, cơ thể đang tiết ra các hợp chất để phá vỡ hemoglobin trong lượng máu rò rỉ. Đến ngày thứ 14, vết bầm sẽ lành dần và có thể chuyển sang màu vàng, nâu và tiếp tục mờ đi.
Thông thường, các vết bầm tím do chấn thương nhẹ sẽ khỏi trong khoảng 14 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp cần phải được chăm sóc y tế.
Những người trên 50 tuổi sẽ dễ bị bầm tím hơn người trẻ. Dùng các thuốc làm loãng máu, chất bổ sung hoặc có bệnh máu khó đông cũng dễ bị bầm hơn.
Mọi người chỉ nên lo khi vết bầm kèm theo một số triệu chứng như sưng ở vùng da xung quanh, xuất hiện cục u dưới da, không thể cử động khớp, cơ bắp hoặc chi ở vùng bị chấn thương. Tất cả những trường hợp này đều cần cần phải đi khám bác sĩ.
Da dễ bị bầm cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiềm ẩn. Nếu da dễ bị bầm mà kèm theo là các triệu chứng như suy giảm thị lực, nướu răng chảy máu bất thường, chảy máu cam thường xuyên, đi tiểu ra máu, phân có màu, bên dưới móng tay bị bầm thì cũng cần gặp bác sĩ kiểm tra, theo Medical News Today.
Bình luận (0)