Theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), cùng với tất cả các liên đoàn bóng đá thành viên khác, kể từ mùa giải 2012, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải từng bước xây dựng lộ trình cấp phép cho các CLB tham dự V-League và giải cấp CLB do AFC tổ chức, để đến năm 2015 chính thức thực hiện.
AFC yêu cầu gì ?
Trong cuộc hội thảo về cấp phép năm 2019, Phó tổng thư ký VFF Nguyễn Minh Châu cho biết, AFC đã nhấn mạnh việc cấp phép thể hiện sự chuyên nghiệp, cần thiết trong môi trường bóng đá hội nhập quốc tế, giúp các CLB hoạt động đúng luật, nâng cao trình độ quản lý, tổ chức cũng như bảo vệ tính toàn vẹn của giải đấu và cải thiện khả năng tài chính, kinh tế; đảm bảo sự minh bạch trong mọi hoạt động của các CLB. AFC cũng yêu cầu VFF phải thiết lập Quy chế cấp phép với mục đích chính là điều chỉnh hoạt động cấp phép cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, dựa trên các nguyên tắc do Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA), AFC đặt ra, phù hợp với
pháp luật Việt Nam và điều lệ của VFF.
AFC đưa ra một loạt tiêu chí khá khắt khe và áp dụng cho toàn bộ hệ thống bóng đá châu lục. Nhưng vì điều kiện kinh tế, xã hội tại Việt Nam có những đặc thù riêng nên trong 3 năm đầu tiên, AFC vẫn có sự “xuê xoa” nhất định, không yêu cầu quá cao là các CLB Việt Nam phải thỏa mãn đầy đủ tất cả các tiêu chí vốn được đánh giá là tương đối cao so với mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam. Mùa giải 2015, có rất nhiều CLB tại V-League thậm chí còn bỡ ngỡ, chưa thấy được hết tầm quan trọng và cần thiết của việc cấp phép cũng như chưa chuẩn bị kịp nên đã xin với VFF cho hoãn đến... mùa sau. Sau khi xin ý kiến AFC, Ban Cấp phép VFF đã báo cáo Ban Chấp hành VFF xem xét, đồng ý cho cả 14 CLB được dự V-League 2015 và Cúp quốc gia dù có đến 9 CLB vi phạm Quy chế cấp phép.
Không đủ tiêu chuẩn vẫn được cấp phép
Đến mùa giải 2016, số lượng CLB không đạt tiêu chí cấp phép có ít hơn mùa trước nhưng cũng lên đến con số 7 CLB. Trong đó đáng lưu ý có cả đội HAGL của bầu Đức và Đồng Tâm Long An của bầu Thắng (khi đó đang giữ cương vị Chủ tịch Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF). 5 đội còn lại không đạt chuẩn gồm XSKT Cần Thơ, Thanh Hóa, QNK Quảng Nam (QN), Hải Phòng,
Sông Lam Nghệ An (SLNA).
Sau khi tiến hành việc kiểm định, Ban Cấp phép VFF chỉ rõ, các CLB nói trên hoặc không đủ điều kiện về cơ sở vật chất (thiếu phòng điều hành, hệ thống mái che khán đài A, chứng chỉ sân vận động, phòng vệ sinh, hệ thống đèn chiếu sáng). Hoặc phạm phải tiêu chí về tài chính (thiếu báo cáo tài chính có kiểm toán) hay không đủ tiêu chí thể thao (thiếu đội trẻ tham dự các giải trẻ quốc gia ở cùng độ tuổi) như đội QN và HAGL. Nếu như QN hoàn toàn “trắng sóng” đội trẻ thì HAGL ngược lại. Có đủ các lứa trẻ nhưng quan điểm của Học viện Bóng đá HAGL Arsenal JMG là không tung các cầu thủ trẻ thi đấu sớm ở những giải lứa tuổi trong nước. Vì thế, HAGL không cử đội U.15, U.17 dự giải vô địch quốc gia U.15, U.17 (bắt đầu từ năm 2017, HAGL mới dự các giải này nên đã được đưa ra khỏi danh sách các CLB không đạt chuẩn AFC).
Trước mùa giải 2020, có 4 đội chưa đáp ứng Quy chế cấp phép gồm Hải Phòng, Thanh Hóa, SLNA và Dược Nam Hà Nam Định (D.NĐ). Đến trước mùa giải 2021, VFF đã tiến hành thống kê và rà soát lại thì vẫn có 4 đội không đạt tiêu chí cấp phép. Trong đó, “vững như bàn thạch” là Hải Phòng (không cử đội dự giải trẻ), SLNA (sân Vinh thiếu dàn đèn), D.NĐ (không đạt tiêu chí về tài chính) và thêm “tân binh” Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (HLHT, cũng không cử đội dự giải trẻ).
Khi nào VFF mới mạnh tay xử lý?
Nhắc lại câu chuyện đội QN không đạt tiêu chuẩn dự V-League 2016. Khi đó lãnh đạo đội bóng này đã tuyên bố liệu Ban Cấp phép VFF có dám dừng V-League hay không vì còn quá nhiều CLB không được cấp phép chuyên nghiệp. Dĩ nhiên V-League mùa đó diễn ra bình thường với sự tham dự của đầy đủ 14 CLB. Các năm sau đó, VFF cũng không thể dừng V-League và với các đội không đạt tiêu chí, VFF không những không phạt mà vẫn để các CLB này thi đấu như “chuyện thường ngày ở huyện”, kể cả những đội lập “kỷ lục” về số lần vi phạm Quy chế cấp phép như SLNA hay Hải Phòng.
Có vẻ như VFF vẫn “nuông chiều” các CLB khi đồng ý cấp phép ngoại lệ ở nhiều mùa giải liên tiếp. Với một số CLB không đạt tiêu chí, việc không tham dự AFC Cup hay AFC
Champions League chẳng phải là một sự trừng phạt nặng nề. Bởi thực tế, điều mà họ quan tâm chỉ là được có mặt ở sân chơi quốc nội. Vậy, câu hỏi được đặt ra là, VFF có dám mạnh tay để loại thẳng những CLB đó ra khỏi V-League 2021 hay không? Hết mùa giải này sang mùa giải khác, các CLB vẫn đang sử dụng thứ “vũ khí” rất thiếu chuyên nghiệp là giấy phép ngoại lệ. Sự nhân nhượng của VFF rõ ràng đang làm ảnh hưởng đến tính nghiêm túc, sự chuyên nghiệp của CLB khác cũng như sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam.
VFF cũng có những cái khó !
Một quan chức VFF cho hay: “Với 4 CLB không có đủ tiêu chí cấp phép ở mùa giải 2021 gồm Hải Phòng, SLNA, D.NĐ, HLHT, Ban Cấp phép sẽ báo cáo Ban Chấp hành VFF và gần như chắc chắn các đội này lại sẽ được cấp phép ngoại lệ. VFF cũng có những cái khó. Không phải vì VFF không biết là cần phải tuân thủ những quy định mang tính bắt buộc của AFC. Nhưng ở Việt Nam, các CLB có nhiều vấn đề không thể tự quyết. Ví dụ như sân bãi, một số CLB, sân không thuộc về họ mà do địa phương quản lý. Phải chờ địa phương phê duyệt mới có tiền để sửa sang, nâng cấp dù chất lượng sân xuống cấp đã lâu. Mà đâu phải địa phương nào cũng có sẵn kinh phí. CLB đành phải chờ hết tháng này qua năm khác. VFF cũng giục, thậm chí làm việc với địa phương nhưng phải chờ. Hay có đội chưa có tuyến trẻ vì mới lên V-League, họ đang nỗ lực tuyển quân và mong muốn xây dựng kế hoạch đào tạo trẻ một cách bài bản. Vậy làm sao loại được những CLB có tâm huyết như vậy”.
|
Bình luận (0)