VFF mời HLV Trần Vân Phát quay lại

20/08/2010 08:45 GMT+7

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là khai mạc AFF Cup nữ Đông Nam Á 2010 (diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 2 đến 12.9.2010). Để chuẩn bị cho giải đấu quan trọng này, từ ngày 16 đến 19.8, lãnh đạo VFF và một quan chức cấp cao của Tổng cục TDTT bay sang Trung Quốc để mời HLV Trần Vân Phát quay lại dẫn dắt ĐT nữ QG.

HLV Trần Vân Phát (trái) lại được lãnh đạo VFF mời về dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là khai mạc AFF Cup nữ Đông Nam Á 2010 (diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 2 đến 12.9.2010). Để chuẩn bị cho giải đấu quan trọng này, từ ngày 16 đến 19.8,  lãnh đạo VFF và một quan chức cấp cao của Tổng cục TDTT bay sang Trung Quốc để mời HLV Trần Vân Phát quay lại dẫn dắt ĐT nữ QG.

Nếu HLV Trần Vân Phát quay lại VN, chiếc ghế HLV trưởng không còn là nỗi lo lắng quá lớn nữa đối với VFF. Tuy nhiên, nỗi lo về lực lượng kế thừa của bóng đá nữ VN vẫn còn đó.

 Đúng là trong hơn 2 năm làm việc tại Việt Nam, HLV Trần Vân Phát đã để lại dấu ấn rất lớn với chiếc HCB SEA Games 24 và HCV SEA Games 25, nhưng có một thực tế khác là suốt chừng ấy thời gian, HLV Trần Vân Phát lại chưa thể xây dựng cho ĐT nữ QG một lực lượng kế thừa vững chắc, và kết quả là năm này qua năm khác, ĐT nữ QG vẫn chỉ biết trông chờ vào những cựu binh như Kim Chi, Đào Thị Miện, Văn Thị Thanh.

HLV Trần Vân Phát không phải không nhận thấy bất cập này, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn làm việc tại Việt Nam, ông thầy người Trung Quốc đã nhận thấy rằng áp lực thành tích ở đây quá lớn, và một HLV dù có tài năng đến mấy nhưng không có thành tích cao ở các giải đấu khu vực vẫn khó có thể giữ nổi chiếc ghế của mình. Vì thế, suốt nhiệm kỳ của mình, HLV Trần Vân Phát gần như chỉ xoay xở với những trụ cột đã quá quen thuộc với ĐT nữ QG trong suốt 5 năm qua.

Không phải ngẫu nhiên HLV Trần Vân Phát đã dứt áo ra đi ngay sau SEA Games 25, bởi ông quá hiểu với những gì mình có trong tay, ĐT nữ QG gần như đã chạm tới giới hạn cao nhất. Chuyện xây dựng thế hệ trẻ cho ĐT nữ QG đã được đề cập nhiều lần trong những năm qua, nhưng vấn đề này đặc biệt trở nên nóng bỏng ở thời gian gần đây.

Tại giải VĐQG vừa qua, Hà Nội Tràng An 1 dù tập hợp những cầu thủ tốt nhất của Hà Nội và Hà Tây (cũ) và được coi như ĐT nữ QG thu nhỏ, nhưng vẫn không thể bước lên bục cao nhất, còn việc “lão bà” Kim Chi dù đã 31 tuổi nhưng vẫn giành danh hiệu Vua phá lưới với 6 bàn thắng, chính là bằng chứng cho thấy bóng đá nữ VN đang cạn kiệt nhân tài đến mức độ như thế nào.

Cách đây 3 năm, cựu HLV trưởng ĐT nữ QG Giả Quảng Thác đã đưa ra lời cảnh báo về chuyện bóng đá nữ VN sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng lực lượng trong tương lai gần, vì người ta chỉ chăm chăm đầu tư ngắn hạn cho ĐT nữ QG để tìm kiếm huy chương chứ không chịu hy sinh một vài giải đấu để xây dựng đội ngũ hậu bị.

Đỏ mắt tìm nhân tố mới

Trẻ hóa lực lượng vốn dĩ là bài toán khó với bóng đá nữ Việt Nam từ vài ba năm trở lại đây, nhưng việc tìm ra lời giải là cả một vấn đề nan giải. Bằng cách này hay cách khác, VFF đã cố gắng gây dựng, phát triển phong trào bóng đá nữ nước nhà. Từ việc duy trì giải bóng đá nữ lứa tuổi 19 VĐQG hàng năm cho đến đăng cai festival bóng đá nữ cho các cầu thủ U.14, tổ chức giải đấu cho các đội U.16.

Tuy nhiên, tất cả các phương án đó chỉ là tạm thời và không mang lại hiệu quả như mong đợi. Số lượng đội bóng nữ dự giải VĐQG hàng năm không vượt qua được con số 6. Với giải đấu dành cho lứa tuổi U.19 như năm 2009, chỉ có 4 đội là Hà Nội, TP.HCM. Thái Nguyên và Hà Nam. TKS Việt Nam không tập hợp được đủ một đội hình nên đành bỏ cuộc dù được VFF hỗ trợ kinh phí tham gia giải, còn Hà Nội thì quy về một đội. Muốn tìm vàng thì phải đãi cát nhưng ngay đến cả việc này cũng không dễ thực hiện thì thử hỏi, bóng đá nữ Việt Nam tìm đâu ra các nhân tố mới?

Tú Mai

Nhật Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.