Ngay sau Đại hội Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) khóa VII vào cuối tháng 3.2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc gặp với lãnh đạo VFF và ông nói những điều mà đến giờ vẫn còn mang tính thời sự: “Vai trò của VFF trong sự phát triển của bóng đá VN phải đáp ứng được kỳ vọng từ người hâm mộ. Có nhiều thứ khiếm khuyết phải xóa đi làm lại. Không phải điều gì người hâm mộ cũng tin tưởng hết vào VFF. VFF là tổ chức xã hội đặc thù nên cần có mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, phải chịu sự điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước. VFF phải chuyên nghiệp, chứ không chỉ đòi hỏi cầu thủ và BTC giải chuyên nghiệp”.
Gần kết thúc nhiệm kỳ VIII, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lại có cuộc làm việc quan trọng khác với nội dung đánh giá lại ưu - nhược điểm của VFF cũng như thực trạng bóng đá VN thời gian qua. Phó thủ tướng nhấn mạnh lại vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là cơ cấu hoạt động của VFF đã tuân thủ pháp luật về tổ chức xã hội nghề nghiệp, quy định của các liên đoàn bóng đá quốc tế mà VFF là thành viên hay chưa. Vì sao người hâm mộ gần đây không còn mặn mà với bóng đá trong nước? Kỷ cương trong hoạt động bóng đá chưa nghiêm hay nghiêm đến mức độ nào?
Phó thủ tướng cho rằng Bộ VH-TT-DL và VFF nên tổ chức một hội nghị mở rộng để lắng nghe tất cả ý kiến của những người có chuyên môn, tâm huyết đối với bóng đá nước nhà. Ông phân tích: “Có làm rõ nguyên nhân thực sự khiến người hâm mộ không đến là vì sân bãi không tốt, trình độ cầu thủ chưa cao hay vì bóng đá chưa thực sự lành mạnh như dư luận phản ánh, từ đó mới đưa ra được giải pháp, “phương thuốc điều trị” đúng, xử lý gốc rễ vấn đề liên quan đến cầu thủ, trọng tài, doanh nghiệp (DN) đầu tư, công tác tổ chức...”.
tin liên quan
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 'mổ xẻ' bức tranh bóng đá nộiKhông bàn đến nhân sự bộ máy Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VIII, trong cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du Lịch (VH-TT-DL), Tổng cục thể dục thể thao và VFF vào chiều 28.9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập đến vấn đề vĩ mô hơn là phải làm rõ bất cập, hạn chế khi thực hiện chiến lược phát triển bóng đá.
Phó thủ tướng một lần nữa khẳng định, bóng đá là môn thể thao rất được quan tâm. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020. Vì vậy, sau 4 năm triển khai, Bộ VH-TT-DL cần khẩn trương sơ kết nhằm làm rõ các bước chuyển lên bóng đá chuyên nghiệp vừa qua đã hợp lý chưa, làm sao hài hòa giữa việc huy động vốn từ các DN lớn với hình ảnh “màu cờ sắc áo” của số đông người hâm mộ. Theo Phó thủ tướng, điểm quan trọng nhất trong sơ kết chiến lược là phải phân tích rõ bất cập, nguyên nhân, nhìn nhận nghiêm khắc, quy rất rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, do cơ chế, điều kiện khách quan hay chủ quan trong từng mục một. Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, địa phương đến đâu, bởi chuyển sang bóng đá chuyên nghiệp không có nghĩa là nhà nước không đầu tư nữa.
Phát triển bóng đá một cách lành mạnh luôn là công cụ hữu hiệu để góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế. Vì vậy, đòi hỏi những người điều hành công tác bóng đá VN phải năng động, chuyên nghiệp và việc quản lý, điều hành hoạt động bóng đá phải làm theo đúng quy định pháp luật, tôn trọng vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và thông lệ quốc tế, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)