“Năng lực quản lý và tư duy chiến lược của lãnh đạo VFF còn có những hạn chế” - nhận định này của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã được VFF “chứng minh” rõ trong cách ứng xử và giải quyết vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình.
Bộc lộ sự “kỳ lạ và có vấn đề” khi sa bút ký một hợp đồng có thời gian dài không tưởng - 20 năm (gấp 4 lần một nhiệm kỳ VPF) - với Công ty AVG, VFF không chỉ làm thiệt hại kinh tế của chính mình vì giá trị hợp đồng chỉ vỏn vẹn 6 tỉ đồng/năm (lũy tiến mỗi năm) mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người hâm mộ. VFF cũng thiếu tôn trọng các thành viên trong ngôi nhà chung là các đội bóng, khi suốt quá trình đàm phán với AVG và chính thức ký hợp đồng không hề hỏi ý kiến của các CLB, mà chỉ cần thông qua BCH. Với hành vi này, VFF đã vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp, điều lệ hoạt động VFF, và cao hơn là luật TDTT.
Chưa hết, VFF còn luôn mâu thuẫn với những quyết định của chính mình. Trong Đại hội cổ đông VPF lần thứ nhất ngày 14.12, VFF chính thức “chuyển nhượng” việc tổ chức và thương quyền các giải đấu cho VPF và từ đó đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho mùa giải mới đã thực sự thuộc về VPF. Nghĩa là, VFF đã hoàn toàn thừa nhận VPF trở thành “ông chủ” mới của các giải chuyên nghiệp từ năm 2012. Song, khi vấp phải sự phản đối từ AVG về bản quyền truyền hình, lãnh đạo VFF lại lớn tiếng tuyên bố VFF chưa ký hợp đồng bàn giao cho VPF nên VPF không có quyền can thiệp vào bản hợp đồng giữa VFF và AVG.
Chưa hết, ngay trong công văn do Chủ tịch VFF ký ngày 30.12, VFF vừa khẳng định “đã giao Công ty VPF chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp VN tuân thủ các quy định của pháp luật VN, của FIFA, AFC và VFF”, nhưng cũng đồng thời đưa ra yêu cầu: “VPF có nhiệm vụ kế thừa và tiếp tục thực hiện những hợp đồng VFF đã ký kết với các đối tác liên quan đến giải bóng đá chuyên nghiệp VN từ mùa giải 2011 trở về trước". Super League khởi tranh chiều qua dưới sự điều hành của VPF nhưng ở công văn mới nhất phúc đáp VPF ngày 30.12, VFF vẫn hô hào VPF tôn trọng quyền sở hữu bản quyền truyền hình của VFF và thực hiện các quyết định của VFF ở vấn đề này.
Không chấp nhận cho các đài vào sân khi chưa có “giấy phép” của AVG vì cương quyết khẳng định AVG là đơn vị độc quyền, nhưng có lẽ VFF chưa quên cách đây chưa lâu, chính VFF và AVG đã xảy ra “sự đụng độ” khi tranh chấp bản quyền truyền hình trận siêu cúp giữa SLNA và Navibank Sài Gòn. Khi đó, AVG cho rằng mình là đơn vị duy nhất được quyền phát sóng trận này nhưng VFF và Báo Tiền Phong với tư cách đồng BTC trận siêu cúp lại mời VTV tường thuật. Vụ này, AVG đã chấp nhận thua cuộc!
Trung Ninh
Bình luận (0)