Gần 30.000 người đột quỵ được cứu chữa
Hoạt động tại Cần Thơ chưa lâu, nhưng Bệnh viện SIS được xem là nơi “cứu tinh” cho bệnh nhân đột quỵ các tỉnh miền Tây. Bởi thay vì phải đến TP.HCM, đường xa vất vả và nguy cơ mất khung “giờ vàng” cao thì người bệnh chỉ cần đến Bệnh viện đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ (Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ) điều trị.
TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện SIS Cần Thơ cho hay tính đến đầu tháng 4.2020, Bệnh viện đã điều trị gần 30.000 lượt bệnh nhân, chủ yếu ở miền Tây và chiếm tỷ lệ hơn 50% là bệnh về thần kinh - đột quỵ. “Tuy mới hoạt động chưa đầy 1 năm 4 tháng nhưng Bệnh viện SIS Cần Thơ đã cấp cứu kịp thời hàng ngàn trường hợp bị đột quỵ. Nếu các bệnh nhân này chuyển đi xa hơn thì nguy cơ tử vong rất cao. Thống kê mỗi năm, ở miền Tây có hơn 10.000 người bị đột quỵ, nhưng đa số chưa được điều trị tốt nhất có thể và chiếm hơn 90% bệnh nhân đến bệnh viện sau khoảng thời gian vàng trung bình là 6 giờ”, TS-BS Trần Chí Cường thông tin.
Bệnh viện SIS Cần Thơ có đội ngũ các y, bác sĩ tâm huyết, giỏi nghề, tận tâm. Bệnh viện luôn ứng dụng công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới về can thiệp mạch để điều trị bệnh, như: máy siêu âm cao cấp chẩn đoán tim bẩm sinh, chụp CT 128 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ MRI 3 Tesla, máy chụp mạch máu xóa nền DSA thế hệ mới chuyên sâu cho can thiệp đột quỵ và hệ thống phòng mổ Hybrid hiện đại chuẩn quốc tế, được trang bị kính hiển vi, C-Arm DSA di động…
Bệnh viện SIS Cần Thơ có quy mô 200 giường, được thiết kế hiện đại. Phòng bệnh thoáng mát, sạch đẹp; đội ngũ nhân viên phục vụ chăm sóc tận tình, chu đáo. Đó cũng là nguyên nhân vì sao ngày càng có nhiều bệnh nhân từ các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và người từ nước ngoài như Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan... tìm đến Bệnh viện SIS Cần Thơ điều trị bệnh.
Đề cao y - đức trong điều trị bệnh
Để có được những điều như vừa kể là nhờ TS-BS Trần Chí Cường luôn đề cao y đức và tâm đức trong đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện. Đã rất nhiều lần, ông trăn trở với chúng tôi về các trường hợp bệnh khó đã gặp. TS-BS Trần Chí Cường tâm sự: “Khi còn ở TP.HCM, tôi rất xót xa khi chứng kiến nhiều bệnh nhân bị đột quỵ từ các tỉnh miền Tây tử vong mà không thể làm gì để giúp họ. Nguyên nhân do họ được chuyển đến quá chậm mà đáng lẽ các trường hợp này sẽ được cứu sống nếu đến chúng tôi sớm hơn. Tôi thật lòng khuyên các đồng nghiệp hãy đề cao y đức, cố gắng chuyển bệnh nhân bị đột quỵ trong khung “giờ vàng” để họ được cứu sống. Hãy xem bệnh nhân như là người thân ruột thịt mình bằng mọi cách phải điều trị tốt nhất cho họ”. Ngoài hoạt động chuyên môn, TS-BS Cường còn tích cực tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh về mạch máu, thần kinh và đột quỵ cho các bác sĩ từ nhiều nước trên thế giới. Trong đó có nhiều khóa đào tạo nổi tiếng như: Planet Tại Đà Nẵng và TP.HCM; khóa học “Asian Stroke Summer School 2019” tại Cần Thơ do ông đứng ra phối hợp, tổ chức, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Bình luận (0)