Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tầm nhìn về Trường Sa, biển đảo Tổ quốc

12/10/2013 14:15 GMT+7

(TNO) Trong những ngày này, cả đất nước Việt Nam và bạn bè quốc tế đang thương tiếc vĩnh biệt một “thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20”, “ một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất lịch sử" (hãng tin AFP). Thanh Niên Online xin giới thiệu bài viết của TS Hoàng Trọng Lập, nguyên Phó trưởng ban Biên giới chính phủ về những câu chuyện biển đảo Trường Sa trong suy nghĩ và tầm nhìn của Tướng Giáp.

(TNO) Trong những ngày này, cả đất nước Việt nam và bạn bè quốc tế đang thương tiếc vĩnh biệt một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20”, “ một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất lịch sử" (hãng tin AFP). Thanh Niên Online xin giới thiệu bài viết của TS Hoàng Trọng Lập, nguyên Phó trưởng ban Biên giới chính phủ về những câu chuyện biển đảo Trường Sa trong suy nghĩ và tầm nhìn của Tướng Giáp.

Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tầm nhìn chiến lược về biển của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhà giàn DK1 ra đời ngày nay với sự quan tâm chỉ đạo từ rất sớm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Như Lịch

Người dân Việt Nam nối tiếp nhau thành dòng người tưởng như không dứt để tiễn biệt vị Đại tướng lừng danh nhưng nhân hậu, người anh hùng đã trở thành huyền thoại của dân tộc với lòng thành kính vô hạn.

Trên các phương tiện thông tin, biết bao lời ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi cũng muốn góp một câu chuyện như một bông hoa trong rừng hoa của dân tộc đang dâng lên vong linh Đại tướng.

Là một người làm công tác về biển đảo, tôi trân trọng xin kể về một sự kiện liên quan đến tầm nhìn xa trông rộng về biển đảo của Đại tướng mà tôi được chứng kiến:

Chúng ta đều nhớ ngày 14.3.1988, tàu chiến Trung Quốc đã tấn công các chiến sĩ Hải quân Việt Nam ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa và 64 chiến sĩ đã hy sinh anh dũng. Sau đó, Hải quân của ta đã tăng cường bảo vệ các đảo ở Trường Sa và củng cố đóng giữ thêm một số vị trí. Ngoài ra, chúng ta tăng cường thêm một bước phổ biến ý thức biển đảo, chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương.

Tháng 6.1988, Ban Chấp hành Trung ương khóa VI tổ chức một cuộc họp về tình hình biển đảo Trường Sa. Báo cáo chính trong buổi họp đó có Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương báo cáo tình hình, diễn biến thực tế ở quần đảo Trường Sa và Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ Lưu Văn Lợi trình bày về pháp lý chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa cũng như tình hình tranh chấp của các nước xung quanh. Tôi có nhiệm vụ đưa một tấm bản đồ lớn có hai quần đảo đến minh họa.

Đến giờ nghỉ giải lao, tôi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước lại gần tấm bản đồ xem xét kỹ lưỡng, hỏi thêm về những vị trí Trung Quốc vừa chiếm.

Sau đó, đột nhiên Đại tướng chỉ vào tấm bản đồ ở khu vực các bãi ngầm Tư Chính, Huyền Trân, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Quế Đường… nằm trên thềm lục địa Việt Nam giữa Trường Sa và đất liền. Đại tướng nói với Trưởng ban Lưu Văn Lợi, Phó ban Lê Minh Nghĩa và tôi đang có mặt ở đó: “Khu vực này cực kỳ quan trọng về chiến lược, ta phải có biện pháp bảo vệ các bãi ngầm này”. Tôi còn nhớ bàn tay của Đại tướng chỉ khoanh vòng lên vị trí các bãi ngầm đó trên tấm bản đồ.

Sự ra đời của nhà giàn DK

Nhận thức được ý nghĩa lời căn dặn của Đại tướng, Ban Biên giới đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng nhà giàn cao chân để bảo vệ, khai thác các bãi ngầm.

Thời gian đó, nhận thức về biển đảo chưa được như ngày nay, không phải không có những lo ngại về ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đi qua vùng biển đó. Vì vậy lãnh đạo Ban Biên giới đã báo cáo lên cấp cao và báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 
Khu vực này cực kỳ quan trọng về chiến lược, ta phải có biện pháp bảo vệ các bãi ngầm này
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông Lê Minh Nghĩa, người từng là Chánh văn phòng Bộ Tổng tham mưu của Đại tướng, có kể lại cho chúng tôi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao đổi với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và được các vị lãnh đạo ủng hộ xây dựng các nhà giàn cao chân trên các bãi ngầm trong thềm lục địa Việt Nam.

Chúng ta đã vận dụng quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982: Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc xây dựng, lắp đặt các công trình thiết bị và đảo nhân tạo trên thềm lục địa của mình.

Đến ngày 17.10.1988, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ký văn bản số 19/NQ-TƯ về việc bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía nam.

Chúng ta đã coi công trình nhà giàn DK có tính chất dân sự để làm dịch vụ kinh tế khoa học. Chính vì vậy, từ ngày 10-15.6.1989, nhà giàn thứ nhất được Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành xây dựng trên bãi đá ngầm Phúc Tần trong thềm lục địa Việt Nam.

Ngày 5.7.1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị số 180UT về việc xây dựng Cụm dịch vụ Kinh tế, Khoa học - Kỹ thuật thuộc Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo bao trùm lên các bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam (chữ DK là chữ cái đầu tiên viết tắt của cụm từ Dịch vụ Kinh tế, Khoa học-Kỹ thuật).

Nhà giàn thứ hai được Tổng công ty Dầu khí phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng trên bãi ngầm Tư Chính. Hiện nay, chúng ta có 15 nhà giàn DK đang trụ vững kiên cường trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.

Nhãn quan chiến lược

Đến năm 1992, Trung Quốc ký kết bất hợp pháp với Công ty Creston (Mỹ) một khu vực khai thác dầu khí chồng lên phần lớn khu vực bãi ngầm trên thềm lục địa phía nam Việt Nam, nơi chúng ta đã thành lập Cụm dịch vụ Kinh tế, Khoa học-kỹ thuật và có các nhà giàn bảo vệ. Khi tham gia đấu tranh với hành sai trái vi phạm thô bạo nói trên của Trung Quốc, tôi càng thấm thía, khâm phục tầm nhìn chiến lược về biển đảo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Có thể nói, từ sự chỉ dẫn hết sức có ý nghĩa về địa chiến lược của Đại tướng, Việt Nam đã có mặt một cách thực sự, thường trực trên các bãi ngầm để bảo vệ khu vực khai thác dầu khí gần đó của chúng ta.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương và nhân loại đang hướng ra biển cả. Khi tài nguyên trên đất liền cạn kiệt thì biển cả là cứu cánh cuối cùng của loài người, là không gian sống và sinh tồn của nhân loại. Quyền lợi từ biển đem lại cho các quốc gia thật là to lớn nhưng do đó cũng đã có nhiều tranh chấp quyết liệt trên biển. Chính vì vậy, trong tấm lòng và bộ óc mẫn tiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có một góc quan tâm đến biển đảo của Tổ quốc.

Có lẽ, đến lúc về với cõi vĩnh hằng, người Đại tướng Tổng tư lệnh kính yêu của nhân dân vẫn hướng ra biển xanh. Từ trên ngọn núi Mũi Rồng vươn ra Biển Đông, di hài của Người vẫn đang “bảo vệ” biển trời cho đất nước Việt Nam.

Nhãn quan chiến lược sâu sắc về biển đảo của Đại tướng đã hình thành từ rất sớm và có nhiều sự kiện chứng tỏ điều đó:    

- Ngày 7.5.1955, Đại tướng cho thành lập Cục Phòng thủ bờ biển, đánh dấu sự ra đời của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đại tướng đã thường xuyên chăm lo, quan tâm đến phát triển lực lượng này.

- Sự kiện giải phóng Trường Sa: Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên tháng 3.1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ nhận ra thời cơ chiến lược thống nhất đất nước mà còn nghĩ ngay đến việc giải phóng các đảo trên biển Đông. Đại tướng đã kiến nghị với Bộ Chính trị: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo…”. Kiến nghị này được Bộ Chính trị đồng ý ghi vào Nghị quyết ngày 25.3.1975.

Ngày 2.4.1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho đồng chí Lê Trọng Tấn: phải nắm lực lượng Khu 5 và Hải quân để tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Lệnh của Đại tướng rất rõ: khi thấy quân đội Sài Gòn nguy khốn thì lập tức tổ chức đánh chiếm các đảo. Trường hợp nước ngoài thừa cơ chiếm đảo thì ta kiên quyết chiếm lại, gặp khó khăn gì phải báo cáo Tổng Hành dinh. Bộ đội đặc công Hải quân của ta đã mưu trí, dũng cảm giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa. Ngày 29.4.1975, ta đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược này.

- Chiến lược khoa học, kinh tế biển: năm 1977 với trọng trách là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo nghiên cứu soạn thảo để có Nghị quyết 37/NQ-TƯ ngày 20.4.1981 về chính sách khoa học kỹ thuật thành văn đầu tiên ở nước ta. Trong đó có một dòng giản dị chứa đựng tâm huyết của Đại tướng: “phát triển mạnh mẽ khoa học kỹ thuật về biển”. Đại tướng thường nhắc: nước ta có vùng biển rộng gấp nhiều lần diện tích đất liền, trong tương lai dân ta sẽ sống trên biển, phải phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ba mươi năm trước, Đại tướng đã đề xuất một chiến lược về kinh tế biển, khoa học - kỹ thuật về biển. Đại tướng đã đưa ra khái niệm phát triển toàn diện về biển, xây dựng phát triển biển phải gắn bó chặt chẽ với quốc phòng an ninh, khoa học, kinh tế và con người, muốn giữ biển phải gắn bó với dân.

TS. Hoàng Trọng Lập
Nguyên Phó trưởng ban Biên giới Chính phủ

>> Hàng trăm người kí vào bức tranh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Truyền thông quốc tế đưa tin lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tận trung cho đến phút cuối cùng
>> Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> 25 năm hải chiến Trường Sa
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 2: Anh hùng đất Việt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 3: 1.000 ngày bị địch bắt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 4: Cuộc trở về của Nguyễn Văn Lanh
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 5: Mùa xuân nhớ con anh hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.