Ví, dặm làm giàu cho nhạc ngữ VN

31/01/2015 07:29 GMT+7

Ví, dặm (giặm) sinh ra một vùng âm nhạc, có tiếng nói riêng. Nó đóng góp làm giàu cho nhạc ngữ VN.

Ví, dặm (giặm) sinh ra một vùng âm nhạc, có tiếng nói riêng. Nó đóng góp làm giàu cho nhạc ngữ VN. 
Hát ví phường vải - Ảnh: Khánh Hoan
Hát ví phường vải - Ảnh: Khánh Hoan
Câu chuyện đời sống đi vào lời hát dân ca
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan không bao giờ quên câu chuyện ví, dặm những ngày kháng chiến. Thời đó, những người đã vào đến vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh đều bỗng hát ví, dặm hết. “Trên sân khấu, họ chỉ có một cái đàn bầu, sáo trúc mà hát suốt đêm. Nó phản ánh đời sống nam nữ thanh niên xung phong. Ngày xưa tôi vào đó, người ta bảo anh cứ cho em lời rồi em sẽ khắc điệu lấy. Tức là em tự hát lấy. Cứ viết thơ bốn năm chữ, hoặc thơ sáu tám thế là họ hát”, ông Loan nói.
Và những bài thơ cứ ra đời liên tục, người hát cứ khắc điệu liên tiếp như thế. Những câu chuyện đời sống điềm nhiên đi vào lời hát dân ca. Thậm chí như những trang thời sự vậy. “Họ làm thơ và lên sân khấu hát như không ấy mà. Mà rất nhanh nhạy. Những câu chuyện chiến đấu thời chiến đều đi vào ví, dặm hết. Người dân đặt lời theo ý muốn rồi tự hát”, ông Loan cho biết. Cũng chính vì thế, theo nhà nghiên cứu âm nhạc này, có thể coi ví, dặm là nghệ thuật quần chúng. Đúng hơn nó là nghệ thuật dân gian mà được quần chúng dễ đặt lời ca, dễ trình diễn, dễ hát. Nghĩa là tính ngẫu hứng, ứng tác của nó rất cao.
Theo ông Đặng Hoành Loan, đây là nghệ thuật duy nhất tồn tại trong đời sống một cách tự nhiên. Sức sống trong dân của ví, dặm cũng mạnh mẽ tương đương với đờn ca tài tử.
Thay đổi để thích nghi
Điều thú vị là ví, dặm đã tự mình thay đổi để thích nghi với đời sống mới. Việc người dân bỏ không gian thực hành cũ không ảnh hưởng tới đời sống mới của loại hình âm nhạc này. “Nếu ngày xưa hát ví thì phải có các cô phường vải, phải có các cô phường cấy. Giờ thì đã vứt bỏ và đưa vào nghệ thuật giải trí cộng đồng từ lâu lắm rồi. Nếu lấy những bài hát sớm nhất thì có thể kể từ những năm 1930, ví, dặm đã tách khỏi không gian cũ rồi. Nó có giá trị riêng”, ông Loan nói.
Đây cũng được xem là một trường hợp nghệ thuật đã tự chuyển đổi chức năng để thích nghi. “Có hai loại chuyển đổi. Một là chuyển đổi chức năng tự nhiên và chuyển đổi chức năng theo phương pháp khoa học. Chuyển đổi chức năng của ví, dặm là tự nhiên. Nó tự thích nghi với đời sống xã hội”, ông Loan phân tích.
Các CLB ví, dặm trong dân đang có xu hướng ra đời ngày càng nhiều. Khảo sát của Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị ví, dặm cho biết hiện ở Nghệ An và Hà Tĩnh còn 260 làng có thực hành dân ca ví, dặm với 75 nhóm đang hoạt động.
Không chỉ linh hoạt, giá trị âm nhạc của ví, dặm cũng rất lớn. Nó sinh ra vùng âm nhạc ví, dặm. Vùng âm nhạc đó có một nhạc ngữ riêng, làm giàu cho nhạc ngữ VN. “Và chính giá trị âm nhạc đấy giúp các nhạc sĩ hiện đại có thêm nhiều tác phẩm âm nhạc. Nên nếu bảo vệ vùng âm nhạc đấy thì ta bảo vệ được một vùng nhạc ngữ VN”, ông Loan nhận định.
Cũng theo ông Loan, từ nhạc ngữ ví, dặm này đã sinh ra âm nhạc Huế. “Người ta cứ nói âm nhạc Huế là sinh ra từ văn hóa Chăm, nhưng theo tôi nguồn gốc của nó là ví, dặm, gien của ví, dặm. Dựa vào âm thì có thể thấy tế bào âm nhạc Huế là tế bào âm nhạc ví, dặm”, ông nói. Về bảo tồn, theo nhà nghiên cứu này, rất cần để người dân tự cất tiếng hát lên tâm tư. “Nếu cứ để họ hát lên tâm tư của mình thì ví, dặm sẽ phát triển mạnh lắm. Còn nếu họ phải hát với ý tưởng khác thì đương nhiên nó sẽ bị kém cỏi hơn. Hát ví, dặm như làm báo. Nó phát hiện rất nhanh mọi vấn đề trong cuộc sống”, ông Loan nói.
Chất liệu ví, dặm đã phát triển thành những ca khúc mang hơi thở và nhịp sống hiện đại, như: Xa khơi, Chào em cô gái Lam Hồng, Trông cây lại nhớ đến Người, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ...
Nhạc sĩ Thanh Lưu
Hồi trước, khi hợp tác xã nông nghiệp còn gắn với lao động tập thể, vừa làm việc, người dân vừa hát râm ran khắp đồng, khắp bãi, vui lắm. Tối đến thì trai gái hẹn hò nhau hát ghẹo, đối đáp, giao duyên. Hát theo lối tự ứng tác với hoàn cảnh, vui nhộn lắm. Rất nhiều đôi yêu và nên vợ chồng từ ví, dặm.
Cụ Lê Thị Vinh, nghệ nhân hát ví, dặm
Lễ đón nhận bằng UNESCO vinh danh dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra lúc 19 giờ 30 hôm nay tại TP.Vinh (tỉnh Nghệ An), được trực tiếp truyền hình trên VTV1 và VTV4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.