Bài cuối: Bảo tồn ví, dặm cần sự vào cuộc của nhiều ngành

04/12/2014 15:10 GMT+7

(TNO) Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhưng làm thế nào để gìn giữ và phát huy được giá trị của ví, dặm trong xã hội đương đại là câu hỏi không dễ trả lời. Chúng tôi đã trao đổi với Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nghệ An Phạm Tiến Dũng xoay quanh vấn đề này.

>> Ví, dặm xứ Nghệ từ nguy cơ thất truyền thành di sản nhân loại - Bài 3: Tiếng Nghệ còn là ví, dặm còn
>> Ví, dặm xứ Nghệ từ nguy cơ thất truyền thành di sản nhân loại - Bài 2: Loay hoay chuyện bảo tồn
>> Ví, dặm xứ Nghệ từ nguy cơ thất truyền thành di sản nhân loại - Bài 1: Tiếng nói tâm tình trong lao động
>> Ví dặm' được công nhận là di sản văn hóa nhân loại

Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nghệ An Phạm Tiến Dũng đồng thời cũng là nghệ sĩ ưu tú, một người đã gắn bó mật thiết hàng chục năm nay với ví, dặm.

* Thưa ông, sau khi đã được vinh danh, ví, dặm sẽ tiếp tục được bảo tồn như thế nào để không bị mất đi giá trị nguyên gốc?

Ông Phạm Tiến Dũng: Trước khi đưa ra đề cử, đại diện của UNESCO đã thực hiện nhiều cuộc điền dã, khảo cứu trong dân, họ muốn xem ví, dặm đang “sống” như thế nào. Khi đưa ra xem xét, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNSECO đã cân nhắc rất kỹ 5 tiêu chí bắt buộc và những tiêu chí liên quan, ví, dặm đều đạt và được đánh giá cao.

 nghe-si-pham-tien-dung
Nghệ sĩ ưu tú Phạm Tiến Dũng - Ảnh: Khánh Hoan

Nhiệm vụ trước mắt là chúng ta phải thực hiện đúng cam kết về bảo vệ di sản theo Công ước về bảo vệ văn hóa phi vật thể 2003. Đồng thời, sẽ phát huy giá trị của ví, dặm bằng nhiều hình thức, tạo ra một chiến lược tổng thể để bảo tồn ví, dặm ở địa bàn cả hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Mục tiêu để đưa ví, dặm về sống với cộng đồng, thành món ăn tinh thần của người dân.

Chúng tôi sẽ phát triển mạng lưới câu lạc bộ dân ca, tiếp tục tổ chức nhiều đợt liên hoan, hội diễn, dạy hát ví, dặm trên truyền hình, trong trường học, tham mưu đề xuất cơ chế hỗ trợ cho các nghệ nhân để họ truyền dạy loại hình dân ca này cho thế hệ trẻ… 
 
* Thưa ông, làm cách nào để lớp trẻ yêu và gắn bó hơn với ví, dặm trong bối cảnh âm nhạc hiện đại đang lấn lướt, còn loại hình dân ca truyền thống thì đang ngày càng mai một?

Thị hiếu của giới trẻ bây giờ đúng là chạy theo âm nhạc hiện đại. Đây cũng là khó khăn chung trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của các loại hình dân ca nói chung, không riêng gì ví, dặm. Vì thế, để bảo tồn được, làm cho giới trẻ yêu thích và thực sự mê ví, dặm, cần phải có sự vào cuộc của nhiều ngành.

* Là một nghệ sĩ yêu thích loại hình dân ca này, ông nhận xét thế nào trước ý kiến cho rằng ví, dặm đã có nhiều thay đổi và dần mất đi giá trị gốc bởi ảnh hưởng của sân khấu hóa?

Dù ví, dặm không còn được như ngày xưa do sự đổi thay của đời sống, nhưng nó vẫn sống được trong hoàn cảnh mới và phát huy giá trị tích cực. Hiện các làn điệu gốc của ví, dặm vẫn đang giữ được, tuy nhiên, để nó sống được trong môi trường mới thì phải sử dụng lời mới. Một số làn điệu ra đời sau này do các nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tác, sau đó được người dân ưa thích, hát và nó trở thành dân ca.

Ví, dặm có một đặc điểm là sử dụng để xây dựng được các vở diễn. Vì thế, từ năm 1975, việc sân khấu hóa loại hình dân ca này đã được thực hiện. Đây là một cách làm phù hợp và có hiệu quả truyền tải mạnh mẽ ví, dặm đến với người dân, nhất là với lớp trẻ.

Lập câu lạc bộ để duy trì ví, dặm 

Ví, dặm còn tồn tại và được nuôi dưỡng cho đến hôm nay có công rất lớn của những truyền nhân tại Nghệ An. Bà Võ Thị Vân là một trong số những truyền nhân dân gian như vậy của vùng đất Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Lên 5 tuổi, bà đã hát được nhiều làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh. Học lên cấp 2, bà là đội trưởng văn nghệ của trường, chuyên dạy cho các bạn trong trường hát ví, dặm.

“Trước năm 1987, khi hợp tác xã nông nghiệp còn gắn với lao động tập thể, vừa làm việc, người dân vừa hát râm ran khắp đồng, khắp bãi, vui lắm. Thế nhưng, sau đó, khi các hợp tác xã giải thể để chuyển sang khoán hộ, ví, dặm cũng dần bị bỏ quên. Khoảng sáu, bảy năm sau đó, huyện mới tổ chức lập câu lạc bộ dân ca để khôi phục lại việc hát ví, dặm”, bà Vân kể và cho hay, bà là người rất tích cực trong việc dạy hát loại hình dân ca này cho người dân tại xã.

Câu lạc bộ hát dân ca xã Ngọc Sơn hiện đã có hơn 40 người cả già lẫn trẻ tham gia, mỗi tháng 2 lần tập luyện, sinh hoạt hát với nhau. Bữa thì hát ở đình làng, bữa ở nhà dân.

Tương tự, tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, những người cao tuổi cũng đã và đang là những truyền nhân ví, dặm cho lớp trẻ. Ông Phùng Ngọc Thanh, Chủ nhiệm câu lạc bộ ví, dặm Nghi Trung nói, ông từng xót xa khi loại hình dân ca này một thời mai một nên đã tự lập câu lạc bộ để duy trì, nuôi dưỡng tình yêu của người dân với làn điệu dân ca quê hương. Tiền thân là câu lạc bộ ca nhạc chỉ với 6 thành viên (1998), đến nay, câu lạc bộ đã có 22 thành viên từ 25 - 84 tuổi, tham gia sinh hoạt đều đặn mỗi tuần một buổi.

Khánh Hoan - Phan Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.