- Sao con không đến nhận cô?
- Dạ... con sợ...
- Con sợ gì?
- Con sợ... con sợ... cô không chịu nhận con...
Đó là mẩu đối thoại giữa tôi và đứa học trò cũ trong ngày - gặp - lại - không - tay - bắt - mặt - mừng. Tôi gặp lại học trò mình khi đến giao lưu tại một đơn vị phụ trách việc giáo dục những người được coi là “tệ nạn xã hội”. Từ trên bục cao nhìn xuống, tôi ngỡ ngàng nhận ra khuôn mặt rất quen, càng chắc mình không lầm khi khuôn mặt ấy cúi xuống, lẩn tránh sự kiếm tìm của tôi. Đó là đứa học trò của năm đầu tiên tôi ra trường nhận công tác ở một vùng ngoại thành nửa quê nửa chợ.
Lứa học trò không đồng đều nhau về tuổi tác, gia cảnh và cả trí thông minh, nhưng rất hồn hậu và chân tình. Ngày cho các em làm lý lịch trích ngang, tôi choáng cả người khi có em vô tư khai nghề nghiệp cha mẹ: biên số đề, dẫn mối, thầu gà chọi... Và đứa học trò - người thiếu nữ tôi gặp hôm ấy - đã ghi trong lý lịch nơi mục nghề nghiệp của mẹ hai từ “làm gái”... Tôi giận run người, tưởng học trò giỡn mặt mình. Nhưng khi hỏi lại, hóa ra chuyện khai lý lịch … gây sốc như trên chỉ là do thật thà, đã xảy ra nhiều lần, nhiều giáo viên khác cũng gặp.
Bắt đứa bé đưa tôi đến gặp mẹ nó, nó dắt tôi đi ngay không hề ngại ngần. Người mẹ phong sương ấy đã khóc mướt với tôi khi đọc thấy tờ lý lịch có chữ con mình. Chị không nổi giận, không biện minh, chỉ ra sức xin cho con gái: “Cháu còn dại quá, ghi thiệt làm chi cho bạn bè chọc ghẹo và làm cô giận!”... Tôi mất cả buổi chiều để giải thích với chị rằng bạn bè nó không chọc ghẹo, tôi cũng không giận, nhưng nếu cháu thấy công việc mà chị đang làm là một cái nghề thì tôi e là...
Và tôi nghẹn lại. Có lẽ chính cái tắc nghẹn của tôi chứ không phải những lời tôi nói làm người mẹ - còn rất trẻ và đẹp - hoảng. Chị hứa hẹn đủ thứ, hứa sẽ nói cho cháu hiểu khác, hứa sẽ kiếm một việc làm đàng hoàng, hứa sẽ gìn giữ cháu: “Đời tôi ô uế thôi cô, có lý đâu tôi lại làm liên lụy đến nó...”. Tôi ra về, nhưng nhìn cái cách chị vội vã dẫn tôi đi theo đường ngách ra cổng, tôi hiểu ngay lời hứa của chị chẳng qua là để tống tôi về cho nhanh khi “công việc” của chị đang chờ...
Rồi đứa bé đó ra trường, một học sinh giỏi, nhưng cái sự giỏi đó chẳng qua vì nó thông minh chứ không phải vì có một mục tiêu để hướng tới vươn lên theo một con đường tốt đẹp - tôi cảm nhận được điều đó và âu lo. Nhưng công việc, những bấn bíu đời thường cuốn tôi đi, nhiều lớp học trò tiếp theo làm tôi quên mất đứa học trò đặc biệt này. Gặp lại nó, tôi tê tái nhận ra sự hời hợt của mình ngày ấy trước một “số phận được báo trước” đã có cái giá như thế nào.
Cuối cùng tôi cũng gặp được nó trước khi ra về. Nó đứng trước tôi vẫn như đứa học trò nhỏ bé ngày nào, cứ cúi gằm mặt xuống. Tôi nói với nó:
- Sao con lại nghĩ cô sẽ không nhận con?
- Con sợ... - nó nói lí nhí, nhỏ xíu, tôi phải đứng sát mới nghe được - Con sợ cô mắc cỡ với bạn bè có đứa học trò như con...
Tôi nhớ chưa bao giờ mình khóc nhiều đến thế. Khóc và cho đến hôm nay cứ mỗi lần nhớ lại đều ray rứt. Tôi và cả mẹ đứa bé đó, cả họ hàng hai bên của nó, cả người cha vì bị vợ phản bội mà ruồng rẫy luôn đứa con, cả những người lớn biết chuyện khác nữa - hình như đều thờ ơ đi qua một “số phận được báo trước”. Cô giáo trẻ nhìn thấy nguy cơ khi đứa bé học trò coi việc mẹ mình “bán thân nuôi miệng” là một nghề.
Người mẹ hiểu không thể để con mình đi theo vết xe đổ của đời mình. Những người lớn khác cũng rõ họ không thể để con bé tiếp tục sống một hoàn cảnh như thế... nhưng ngoài cảnh báo đơn lẻ, ngoài những trách móc, ngoài sự lên án... đã ai có một can thiệp nào tích cực hơn! Để rồi hôm nay khi đứng trước kết quả đã an bài đó, ngoài dòng nước mắt và sự ray rứt cho một sự việc đã dĩ lỡ thì có thể làm gì cho em, làm gì để thay đổi cuộc đời em? Câu hỏi này không chỉ cho hôm gặp mặt đứa học trò và cũng không chỉ cho một người là tôi. Nó vẫn và sẽ là câu hỏi nêu lên một vấn đề xã hội còn đầy đủ tính thời sự cho đến hôm nay.
Tôi không có cơ hội quay trở lại đơn vị đó nữa, cũng không có cơ hội gặp lại đứa học trò ấy để biết giờ em làm gì, ra sao. Mỗi năm, khi sinh hoạt với học sinh về “quyền trẻ em”, tôi vẫn ray rứt thấy để mọi người hiểu biết và thực thi những điều luật này một cách đồng bộ thì quả thật xã hội ta vẫn còn nợ một lộ trình phối hợp hoạt động có hiệu quả - số 1 cuối cùng trong công thức 4-3-1 của công ước Quyền trẻ em (bốn nhóm quyền, ba nguyên tắc, một quá trình). Các bậc cha mẹ hoặc người có trách nhiệm nuôi dạy các em và rộng ra toàn xã hội có bao nhiêu người biết và hiểu về những quyền này của trẻ? Chưa kể từ hiểu biết đến thể hiện bằng hành động là cả một quá trình.
Đứa học trò cũ của tôi và bao nhiêu trẻ em khác nữa đã mất đi cuộc sống bình thường vì không ai chú tâm đến quyền của các em, đó là quyền được sống và phát triển, quyền được gia đình chăm sóc và nuôi dưỡng, quyền được bảo vệ để không bị lạm dụng, quyền được hưởng an toàn xã hội...
Theo Minh Lâm / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)