Vì đâu nên nỗi?

30/10/2020 04:48 GMT+7

Phải gọi “thảm họa” để nói về 3 vụ sạt lở núi ở Quảng Nam vào chiều tối 28.10, khiến hơn 60 người dân gặp nạn ngay sau khi bão số 9 vừa càn qua.

Vậy là, thiên tai đã giáng xuống đầu con người ngay vào thời điểm ít ai ngờ nhất: Bão số 9 vừa tan. Và ở nơi chẳng ai lường được là những huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam. Ngay trước khi nhận hung tin ấy, cả Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lẫn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các chỉ huy tiền phương trong bão số 9, còn đánh giá rất cao về cách ứng phó của người dân và chính quyền địa phương nên thiệt hại về người trong bão ở mức thấp nhất.

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

Lẽ thường, nạn nhân của bão số 9, nếu có, là những cư dân ven biển - nơi trực diện với những cơn gió giật cấp 15 cùng với sóng biển cao 10 m, và người dân vùng trũng thấp - nơi xuất hiện những trận lũ quét “tiếp sức” cho bão. Thế nhưng, điều đó lại xảy ra ở nơi bất ngờ nhất, như đã nói trên.
Có lẽ đây là lần đầu tiên mà cả một ngôi làng của đồng bào Xê Đăng ở Nam Trà My bị xóa sổ trong một trận bão. Những năm trước đây, đã từng xảy ra những trận sạt lở gây chết người nhưng ở dạng nhỏ lẻ và nạn nhân cũng không phải là người Xê Đăng mà là công nhân làm đường hoặc phu đào đãi vàng.
Vốn dĩ, những ngôi làng của đồng bào thiểu số tựa lưng vào dãy Trường Sơn thường có tuổi thọ hàng trăm năm. Nghĩa là, sự ổn định của địa chất vùng núi cao này là chỉ dấu cho sự an toàn để chủ nhân của những ngôi làng sinh sống qua nhiều thế hệ. Vậy tại sao thảm họa lại đến với họ trong lúc này?

Sạt lở kinh hoàng ở Nam Trà My: Mất liên lạc với Bí thư xã Trà Leng

Bão số 9 là tác nhân dẫn đến thảm họa, nhưng đó chỉ là giọt nước làm tràn “ly nước sạt lở” đã tích tụ lâu nay. Việc ồ ạt cấp phép cho các công trình thủy điện ở Nam Trà My thời gian gần đây đã làm tăng nhanh việc “xuống tóc” của những cánh rừng già, vốn là căn cứ địa của Khu ủy Khu 5 trong chiến tranh chống Mỹ.
Rừng già ngày càng teo tóp lại, trong khi đường sá lên vùng cao thì san ủi tơi bời, rồi những túi nước khổng lồ từ các công trình thủy điện xuất hiện ngày càng nhiều... Có thể đó là những nguyên nhân dẫn đến các trận động đất liên tục xảy ra hôm 14.10 tại vùng núi phía tây Quảng Ngãi sát với Nam Trà My chăng? Có mối liên hệ nào giữa việc sạt lở núi dẫn đến thảm họa với các trận động đất vừa xảy ra không? Đây là điều cần sớm có câu trả lời từ các nhà nghiên cứu.
Cần có một cuộc điều tra toàn diện và khoa học về những tác động từ các công trình thủy điện, thủy lợi, kể cả giao thông ở vùng cao để có những giải pháp nhằm ổn định lâu dài cho người dân hơn là “tăng cường xây dựng, bất chấp hậu quả” như đã xảy ra.

Thảm họa sạt lở ở Nam Trà My: Dốc toàn lực ngày đêm tìm kiếm người mất tích

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.