Tin rằng đề xuất ấy cũng khiến cho những người dân thành phố cảm thấy nhẹ lòng. Bởi chúng ta hay đòi hỏi thành phố phải xanh, phải sạch mỗi ngày, nhưng có thể còn chưa nhìn thấy hết những gì mà người khác phải gánh vác.
Đó là gánh vác của những người công nhân thu gom rác mặc đồ bảo hộ kín người làm việc dưới cái nắng gay gắt và không khí oi bức vì hiệu ứng đô thị, chạm tay trực tiếp vào sự dơ bẩn, sự ô nhiễm, hít thở mùi hôi thối của rác mỗi ngày. Họ có mặt trên nhiều ngõ ngách đường phố từ sáng sớm, trong đêm khuya để trả lại cho thành phố sự sạch sẽ. Không có họ thì sao?
Mỗi ngày hiện nay 13 triệu dân của TP.HCM xả ra 9.000 tấn rác. Và con số của năm 2025 sẽ là 13.000 tấn rác như lời cảnh báo của chính Chủ tịch UBND TP.HCM tại hội nghị “Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM”.
Đó là gánh vác của những người công nhân vệ sinh đô thị phải vật lộn với rác dưới cống rãnh để tránh cho thành phố tình cảnh ngập lụt sau những trận mưa - tình cảnh mà ai cũng dễ dàng post lên mạng một câu châm biếm “Sài Gòn thất thủ” nhưng chưa chắc đã góp tay góp sức gì cụ thể để thay đổi tốt hơn tình cảnh ấy.
Những người công nhân ấy, họ cụ thể là những ai? Đa phần trong số họ là những người lao động nghèo đến từ các tỉnh lân cận, là những đối tượng rất dễ tổn thương trước một chính sách quản lý cào bằng nào đó. Họ có khi không có hộ khẩu để được quan tâm chính thức. Con cái họ có thể không dễ dàng để đến trường vì học phí, lệ phí.
Những người lao động thu gom rác thải và vệ sinh môi trường ấy đã thay mỗi chúng ta gánh vác phần việc mà không ai muốn làm để giữ gìn cho chúng ta môi trường xanh sạch đẹp. Họ có thể chẳng lên tiếng đòi hỏi thêm điều gì ngoại trừ đồng lương mà họ nhận được từ sức lao động và đóng góp của mình, có chăng thêm một chút lì xì nho nhỏ vào dịp tết. Nhưng chúng ta thì nên tạo thêm điều kiện để bù đắp cho sự gánh vác nặng nhọc của họ mỗi ngày.
Và thay vì gọi đó là khoản hỗ trợ giảm 50% học phí cho con những người công nhân thu gom rác, sao không gọi số tiền hỗ trợ đó là học bổng “vì môi trường thành phố”. Để họ không thấy mình tội nghiệp, mà có thêm năng lượng tinh thần khi bước vào công việc đang gánh vác mỗi ngày. Để con họ lớn lên và hiểu rằng cha mẹ mình là những người đã chung tay góp sức bằng hành động cụ thể để giữ gìn cuộc sống xanh sạch đẹp cho mọi người, cha mẹ mình đã hy sinh xứng đáng cho thành công của con cái.
Bình luận (0)