Vị huynh trưởng thông tuệ

25/08/2013 11:00 GMT+7

Huynh trưởng Hướng đạo sinh Trung kỳ Tạ Quang Bửu đã giúp cách mạng đào tạo nhiều thanh niên xuất sắc thành lãnh đạo cao cấp. Bản thân ông sau đó cũng là một bộ trưởng vô cùng thông tuệ.

Trong cuốn Tại sao Việt Nam, thiếu tá tình báo Mỹ Archimedes L.A.Patti khi viết về những con người và sự kiện ở Hà Nội vào tháng 9.1945 đã nêu một chi tiết thú vị: “Một vị khách đợi tôi ở biệt thự. Đó là ông Tạ Quang Bửu, một người Việt Nam ưu tú, có lẽ gần 30 tuổi. Tôi nhớ hình như đã trông thấy ông ở đâu đó nhưng không chắc lắm. Tôi và Bernique bắt tay ông. Ông tự giới thiệu là do Bộ Nội vụ cử tới. Ông nói tiếng Anh hoàn hảo với giọng đặc Oxford, không lơ lớ chút nào, khiến tôi sững sờ kinh ngạc...”.

 

Với các nhà khoa học thế giới, có người đã nhận xét: GS Tạ Quang Bửu như một “bình thông nhau”, mở cánh cửa cho khoa học Việt Nam hòa nhập

Tất nhiên, một sĩ quan tình báo như Patti không thể nhầm về thứ tiếng Anh hoàn hảo đặc Oxford của GS Tạ Quang Bửu. Năm 1934, ông Tạ Quang Bửu được Trường đại học Bordeaux (Pháp) trao đổi sang Đại học Oxford (Anh). Cũng tại Anh, ông đã học thêm ngành vật lý lượng tử. Trước năm 1934, ông  theo học chương trình cử nhân khoa học ở Đại học Sorbonne, học toán ở các đại học Paris và Bordeaux. Điều kỳ lạ là ông Tạ Quang Bửu học rất nhiều nhưng chỉ có duy nhất một bằng cử nhân toán học.

Cũng có thể coi đó là sự khôn ngoan của một học sinh nghèo mà ham học - “lách” thông lệ học xong, nhận bằng là về nước bằng cách học gần hết giáo trình lại xin học sang giáo trình khác để thâu tóm trong hành trang trước khi về nước càng nhiều kiến thức càng tốt. Với ông, học là để có tri thức, để phụng sự Tổ quốc chứ không phải để có bằng cấp.

Cũng chính vì thế, trở về nước năm 1935, ông không ra làm quan mà đi dạy toán và tiếng Anh tại Trường Phú Xuân, Trường Providence (Thiên Hựu) ở Huế. Cũng thời gian đó, ông tranh thủ tự học thêm, nghiên cứu cơ học lượng tử và phương trình vi phân.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, GS Tạ Quang Bửu ra Hà Nội, đảm nhận chức vụ Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 9.1945 đến tháng 1.1946. Tháng 8.1947, GS Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1948, ông xin trở lại cương vị thứ trưởng và đề nghị giao chức vị bộ trưởng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau năm 1954, ông lại xin thôi chức thứ trưởng để làm Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội vừa mới thành lập. Nhưng dù có đảm nhiệm chức danh hay không ông đều toàn tâm toàn ý phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân...

Nhà khoa học đa tài

GS Tạ Quang Bửu là nhà khoa học đa tài uyên bác trên nhiều lĩnh vực, không chỉ trong khoa học tự nhiên mà cả trong nhiều ngành khoa học xã hội. Thậm chí có người còn ví ông với nhà bác học Lê Quý Đôn.

Ông là một nhà “cổ học” thực thụ, đọc được nguyên bản Hán ngữ các sách kinh điển của Nho gia, Đạo gia như: Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh tử, Đạo đức kinh, Nam Hoa kinh… và nhiều tác phẩm triết học Trung Hoa cổ đại khác.

Vị huynh trưởng thông tuệ
Tại Hội nghị Genève, Giáo sư Tạ Quang Bửu (ngồi trong) đại diện phía Việt Nam ký hiệp định, ngày 21.7.1954 - Ảnh: tư liệu

Ông cũng thành thạo “tân học”, giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, sử dụng được tiếng Đức, đọc được tiếng Nga, tiếng Ba Lan, tiếng Hy Lạp cổ, tiếng La tinh. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Tạ Quang Bửu giúp Người tiếp các nhà ngoại giao Anh, Mỹ và soạn thảo các bức công hàm, điện thư gửi J.Stalin, H.Truman, J.Byrnes...

Với lĩnh vực tưởng như xa vời với khoa học là thể thao, Tạ Quang Bửu cũng xuất sắc một số môn và truyền đạt lại kinh nghiệm luyện tập cho các “đàn em”: đánh bóng bàn theo kiểu Barma (đương kim vô địch thế giới về bóng bàn, người Hungary), tập điền kinh theo phương pháp khoa học, dạy bơi sải... Trong cuộc thi ở Trại Tráng sĩ của Tổ chức Hướng đạo thế giới, năm 1938 tại Anh, ông thuyết giáo về kinh Phúc âm ở một nhà thờ Tin lành hấp dẫn đến mức có người tưởng ông là... mục sư. Sau cuộc thi này, ông được “phong” trại trưởng và là đại diện huấn luyện cho toàn Đông Dương.

Tháng 7.1945, trước những chuyển biến mạnh mẽ của tình hình, cùng với luật sư Phan Anh, GS Tạ Quang Bửu, với vai trò Huynh trưởng Hướng đạo sinh Trung kỳ, đã tương kế tựu kế sáng lập Trường Thanh niên tiền tuyến Huế để công khai tập hợp và rèn luyện thanh niên, chuẩn bị lực lượng cho thời cơ giành độc lập dân tộc đang đến gần.

Ngoài đời thường, GS Tạ Quang Bửu có quan hệ gắn bó thân thiết và có ảnh hưởng lớn với nhiều nhà khoa học có uy tín ở Việt Nam: cố GS Nguyễn Văn Đạo, cố GS Vũ Đình Cự, GS Hoàng Tụy, GS Phan Đình Diệu, GS Nguyễn Cảnh Toàn, GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Hoàng Xuân Sính, GS Nguyễn Lân Dũng, GS Đặng Vũ Minh, GS Hà Huy Khoái, TS Ngô Huy Cẩn (thân phụ GS Ngô Bảo Châu)... Ông cũng có quan hệ thân thiết với các nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài: Frédéric Phạm, Lê Dũng Tráng, cố GS Bùi Trọng Liễu...

Với các nhà khoa học thế giới, có người đã nhận xét: GS Tạ Quang Bửu như một “bình thông nhau”, mở cánh cửa cho khoa học Việt Nam hòa nhập. Ngay trong những năm chiến tranh ác liệt, để cập nhật kiến thức cho đội ngũ toán học nước ta, ông đã mời nhiều nhà toán học Pháp được tặng giải thưởng toán học Fields như Laurent Schwartz hay Alexandre Grothendieck sang thăm Việt Nam, giảng về các vấn đề toán học hiện đại nhất.

Cuộc đời và sự nghiệp của GS Tạ Quang Bửu đã để lại tấm gương của một trí thức uyên bác đa ngành mang một nhân cách lớn. Ông là niềm tự hào của giới trí thức và cách mạng Việt Nam.

GS Tạ Quang Bửu (1910 -1986) quê ở Nghệ An. Ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1947); Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội (1956  - 1961); Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1965 - 1976); đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI (1946 - 1981). Ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất... Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) về khoa học công nghệ.

Ngô Vương Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.