Hằng năm có hơn 50 triệu người bị nhiễm vi-rút sốt xuất huyết vì bị muỗi nhiễm bệnh chích ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Vi-rút này có thể gây sốt cao đến kiệt sức, đau đầu trầm trọng, đau cơ, khớp và có thể dẫn đến biến chứng gây chết người. Hiện vẫn chưa có vắc-xin hay phương pháp điều trị đặc hiệu.
|
Các nhà khoa học Mỹ và Úc đã tìm ra một cách chống muỗi mới đầy hứa hẹn. Đầu tiên họ chỉ ra rằng Aedes aegypti, loài muỗi lây truyền vi-rút xuất huyết chính, có khả năng chống lại sự lây lan vi-rút này nếu chúng bị nhiễm một loại vi khuẩn đặc biệt có tên gọi Wolbachia (vốn sống ở ruồi giấm và một số côn trùng khác nhưng chưa tự thân tấn công được muỗi). Sau đó họ kiểm tra thử xem muỗi kháng bệnh này có thể thay thế được loài họ hàng của nó trong tự nhiên, từ đó làm giảm số lượng muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết hay không.
Những con muỗi kháng bệnh này rất có ưu thế trong sinh sản. Muỗi cái đề kháng có thể giao phối với muỗi đực kháng bệnh hoặc muỗi bình thường và tất cả con cháu của chúng sẽ có khả năng kháng bệnh.
Trong cuộc nghiên cứu được công bố trên số mới nhất của chuyên san khoa học Nature, nhóm chuyên gia thuộc Đại học California, Davis, Đại học Melbourne cùng Viện Khoa học - công nghệ Úc đã thả 140.000 con muỗi kháng bệnh ở 2 vùng biệt lập ở vùng đông bắc Úc. Họ phát hiện số muỗi kháng bệnh chiếm đến 90-100% trong quần thể muỗi hoang trong vòng 10 tuần.
Kết quả trên là bước đột phá đầu tiên, tiếp theo các nhà khoa học thử nghiệm ý tưởng này tại những khu vực bệnh sốt xuất huyết lây lan thường xuyên, không phải xuất hiện lác đác như ở Úc. Các nhà khoa học cũng sẽ phải chứng minh phương pháp của họ vẫn hiệu quả với nhiều chủng vi-rút gây bệnh sốt xuất huyết khác.
Trùng Quang
Bình luận (0)