Ông David Clark nói: "Có một nghịch lý trong cuộc đời tôi. Năm nay tôi là một ông già 75 tuổi và đã sống ở Đà Nẵng hơn 10 năm. Tại thành phố này, năm 1968, tôi đã đến tham chiến khi còn là chàng trai 19 tuổi, với nhiều lý tưởng nhất, nhiều nỗi sợ hãi nhất và có nhiều điều khủng khiếp nhất đã xảy ra thời điểm ấy. Để rồi cũng chính ở nơi đây, mấy chục năm sau đó, tôi tìm thấy được sự bình yên nhất của cuộc đời mình".
"PARADOX" VÀ SỰ BÌNH YÊN
Sáng 11.4, ông David Clark, cựu binh người Mỹ, hiện là Tổng thư ký kiêm thủ quỹ của Veterans For Peace Chapter 160 (VFP 160, Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ tại Việt Nam), chủ động gọi điện cho tôi sau lời mời phỏng vấn của tôi trước đó không lâu.
Ông pha cà phê, hỏi thăm, trao đổi vài thứ trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Ngồi vào bàn, ông nhấp một ngụm cà phê và nói: "Tôi đã sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn rồi. Chúng ta hãy nói về hòa bình đi".
David Clark kể năm 17 tuổi, ông tự nguyện đăng ký đi phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Hai năm sau, ông nhận lệnh điều động đến Việt Nam để tham chiến trong vai trò lính thủy đánh bộ tinh nhuệ, hoạt động tại Sư đoàn Thủy quân Lục chiến số 1 đóng ở Đà Nẵng. Ông David Clark nhớ rõ mình đã tham chiến ở Việt Nam trong 13 tháng, từ tháng 7.1968 - 8.1969 và những gì diễn ra thời điểm ấy luôn ám ảnh, đeo đẳng ông suốt mấy chục năm ròng. Khi trở về nước, ông không được người dân Mỹ đón nhận. Ông nghiện rượu, vật vã với những căng thẳng rối loạn sau sang chấn tâm lý (PTSD), những cơn ác mộng…
Đến tháng 5.2007, David Clark lần đầu tiên trở lại Việt Nam cùng một người bạn từng thuộc lực lượng không quân Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên ông leo lên đỉnh Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng - nơi đóng quân xưa của ông). Nhìn xuống chân núi, ông thấy những con sóng trào dâng. Nhìn lên, ông thấy bầu trời xanh và mây trắng thật yên bình.
"Mọi thứ đã bình yên. Không có bom rơi, súng đạn, trực thăng. Chỉ có duy nhất sự bình yên. Chiến tranh đã kết thúc thật rồi", Clark chia sẻ lại cảm xúc khi đó.
Năm 2011, ông tiếp tục sang Việt Nam và ở lại 1 năm, trái với dự kiến ban đầu là chỉ 1 tuần. Năm 2013, ông sắp xếp mọi thứ ở Mỹ rồi đến định cư ở Đà Nẵng cho tới nay. Trong cuộc trò chuyện với Thanh Niên, người cựu binh Mỹ liên tục nhấn mạnh từ "paradox" - nghịch lý. Ông chia sẻ: "Có một nghịch lý trong cuộc đời tôi. Năm nay tôi là một ông già 75 tuổi và đã sống ở Đà Nẵng hơn 10 năm. Tại thành phố này, năm 1968, tôi đã đến tham chiến khi còn là chàng trai 19 tuổi, với nhiều lý tưởng nhất, nhiều nỗi sợ hãi nhất và có nhiều điều khủng khiếp nhất đã xảy ra thời điểm ấy. Để rồi cũng chính ở nơi đây, mấy chục năm sau đó, tôi tìm thấy được sự bình yên nhất của cuộc đời mình".
Ông không còn phải lúc nào cũng đeo vũ khí, không còn phải lo nghĩ về chiến tranh. "Ngày xưa, tôi là một phần của vấn đề, của những hỗn độn thời chiến. Còn hôm nay tôi là một phần của giải pháp, của nỗ lực để những vết thương lành", ông nói.
GÓP PHẦN VÌ TRẺ EM, VÌ GIÁO DỤC VIỆT NAM
2013 cũng là năm David Clark gặp và kết hôn với bà Nguyễn Thị Thanh Hương (Ushi Clark). Họ sống bình yên trong căn nhà gần biển. Có thể thấy được trong mắt ông niềm hạnh phúc bình dị khi ông khoe chỉ cần vài bước chân là có thể bước tới biển, tới núi, và gần nhà ông còn có một con sông nhỏ.
"Chính vợ tôi là người giới thiệu tôi với ông Chuck Searcy (hiện là Chủ tịch VFP 160 - NV) và hướng tôi tới các công việc của VFP hiện nay. Vợ tôi rất xinh đẹp và luôn yêu thương, quan tâm tôi hết mực. Tôi nghĩ con người ta không mong đợi gì hơn thế. Một khi trong tâm chúng ta có được bình yên, nghĩa là chúng ta đã có tất cả", David Clark kể.
VFP 160 là một chi nhánh quốc tế với các thành viên ở Việt Nam và Mỹ gồm các cựu quân nhân, thành viên gia đình quân nhân... Tổ chức này hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa hòa bình và hàn gắn vết thương chiến tranh. Hiện nay, VFP 160 có các dự án gồm Tours of Viet Nam (tổ chức các chuyến tham quan nội bộ tới Việt Nam cho các cựu chiến binh), Bikes for Education (vận động ủng hộ, trao xe đạp cho trẻ em vùng sâu, vùng xa vì sự nghiệp giáo dục) và UXO & Agent Orange (hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc màu da cam và vấn đề bom mìn còn sót lại ở Việt Nam).
Ông David Clark hiện cũng là Phó giám đốc dự án Bikes for Education kiêm Giám đốc chương trình Lite-A-Bike, Save-A-Life, Vietnam (trang web: https://givingitbacktokids.org/save-a-life-lite-a-bike-vietnam.php). Ông kể về câu nói mà nhiều cựu binh Mỹ hay dẫn lại: "That a man never stands so tall; as when he bends down to help a child" (tạm dịch: "Một người đàn ông không bao giờ đứng cao được cho tới khi anh ta cúi người xuống để giúp một đứa trẻ").
Tấm lòng của David Clark với trẻ em cũng vô tận như tình yêu của ông với đất nước Việt Nam. Nói về cơ duyên lập chương trình Lite-A-Bike, Save-A-Life, Vietnam, ông chia sẻ mình từng lái ô tô vào ban đêm ở Việt Nam và suýt đâm phải 3 đứa trẻ đang đạp xe, vì trời quá tối và xe của các em không gì để cảnh báo. Ông tự hỏi đã có bao nhiêu vụ tai nạn xe đạp và ô tô vào ban đêm ở châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Thế là hơn 10 năm qua, gia đình ông cùng nhiều tình nguyện viên đã trao tặng hơn 3.000 chiếc xe đạp cho trẻ em nghèo ở các vùng biên giới Việt Nam. Đồng thời, dán miếng phản quang, thay đèn sau cho hơn 6.000 chiếc xe đạp. Ông tự nhủ việc mình đang làm chỉ là phần nhỏ thôi, nhưng sẽ giúp giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc.
"Chúng tôi thấy rằng trẻ em sống ở vùng biên giới xa trường học tới 5 - 6 km và không có xe đạp đi học. Vì vậy chúng tôi tặng xe đạp cho trẻ em nghèo. Chúng tôi hạnh phúc khi các em có thêm cơ hội học hành. Các em sẽ biết đọc, biết viết, và chúng tôi kỳ vọng các em sẽ là những nhân tố tích cực cho tương lai. Từ đó, các em sẽ trở thành người có ích cho xã hội", ông David Clark bày tỏ.
Dẫn chứng những câu chuyện về giới trẻ tình nguyện nhặt rác thải nhựa ở vùng biển, David Clark nhấn mạnh về sự kiến tạo và vai trò của người trẻ. Ông tin rằng những nỗ lực cho giáo dục Việt Nam sẽ là bước đi vững chắc để người trẻ được trao quyền giải quyết các vấn đề xã hội trong tương lai nói chung và gìn giữ hòa bình nói riêng. (còn tiếp)
Việt Nam là hiện thân của hòa bình
Truyền tải thông điệp về hòa bình, ông David Clark mong muốn rằng các nhà lãnh đạo thế giới hãy nhìn hình ảnh của Việt Nam khi nói về hòa bình hay khi tham gia các cuộc đàm phán. Với ông, Việt Nam là hiện thân của hòa bình. Việt Nam đã bình thường hóa mối quan hệ với những cựu thù, trong đó có Mỹ. Đến nay, hai nước đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện.
Ông David Clark cũng mong rằng một ngày nào đó các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Iraq hay Afghanistan sẽ trở lại những quốc gia này và có thể tìm thấy được sự bình yên ở những nơi ấy, như cảm giác của ông khi đến với Việt Nam.
Bình luận (0)