Vì nước quên thân vì dân phục vụ - Kỳ 6: Uống trà với... nghi phạm

18/08/2015 06:10 GMT+7

“Tùy vào thời điểm, từng nghi phạm mà chúng ta phải khôn khéo lựa chọn phương án khác nhau khiến người phạm tội tâm phục khẩu phục, làm theo ý mình. Lúc đó mình được việc, người phạm tội cũng nhẹ nhàng và an toàn cho cả đôi bên”.

“Tùy vào thời điểm, từng nghi phạm mà chúng ta phải khôn khéo lựa chọn phương án khác nhau khiến người phạm tội tâm phục khẩu phục, làm theo ý mình. Lúc đó mình được việc, người phạm tội cũng nhẹ nhàng và an toàn cho cả đôi bên”.
 
Đại úy Thanh đang lấy lời khai một nghi phạm trong vụ án trộm cắp - Ảnh: Công NguyênĐại úy Thanh đang lấy lời khai một nghi phạm trong vụ án trộm cắp - Ảnh: Công Nguyên
Đó là chia sẻ của đại úy Nguyễn Chí Thanh - Phó đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an Q.10 (TP.HCM). Anh bảo: “Công việc chính của mình là phụ trách truy xét nên có lúc làm tối mắt mà cũng chưa hết việc”.
Đại úy Thanh không nhớ hết đã bao nhiêu lần anh cùng đồng đội thức trắng đêm để tìm manh mối người phạm tội, hay đấu tranh tâm lý với hung thủ, hoặc lần theo dấu vết nghi phạm qua khắp các vùng miền đất nước. “Nhiều lúc đi làm án ở xa, ăn bờ ngủ bụi, vợ con không thấy mặt trong nhiều ngày là chuyện bình thường”, đại úy Thanh chia sẻ.
“Mình với nghị phạm đi như hai người bạn”
Năm 2010, đại úy Thanh một mình từ TP.HCM ra H.Hương Sơn (Hà Tĩnh) để truy bắt nghi phạm gây ra vụ trộm tại một ngôi nhà trên đường Nguyễn Tiểu La (P.8, Q.10, TP.HCM). Nghi phạm là người mới vào làm công cho gia chủ, lợi dụng đêm khuya đã trộm tài sản, bỏ trốn. Sau khi xác định nghi phạm trốn về nhà tại thị trấn Phố Châu (H.Hương Sơn, Hà Tĩnh), đại úy Thanh được đơn vị cử đi xác minh và bắt nghi phạm dẫn giải về TP.HCM.
“Lúc đó là mùa đông nên Hà Tĩnh lạnh như cắt da cắt thịt mà tôi đi vội chỉ mang một chiếc áo khoác mỏng, trên đường đi xe ôm từ Hà Tĩnh về huyện miền núi Hương Sơn người tôi như tê cứng”, đại úy Thanh nhớ lại.
Sau khi về đến thị trấn Phố Châu, được sự hỗ trợ của công an địa phương, đại úy Thanh tìm tới nhà nghi phạm. Lúc này, dù có lệnh bắt nghi phạm đem theo nhưng đại úy Thanh quyết định không dùng đến mà cùng cán bộ địa phương vào nhà uống trà và trò chuyện với nghi phạm.
Đại úy Thanh đã khôn khéo thông báo và phân tích cho nghi phạm cùng gia đình biết về việc nghi phạm có liên quan đến vụ trộm cắp tại TP.HCM… Cuối cùng, nghi phạm đã thừa nhận mình có liên quan và chấp nhận đi theo đại úy Thanh về TP.HCM. Sáng hôm sau, nghi phạm đã dùng chính chiếc xe trộm cắp được tại TP.HCM để chở đại úy Thanh ra TP.Vinh (Nghệ An).
Khi đến TP.Vinh, nghi phạm đem xe máy gửi cho một nhà xe khách để đưa vào TP.HCM, sau đó theo đại úy Thanh về khách sạn nghỉ qua đêm để sáng mai cả hai bay vào TP.HCM.
“Mình với nghi phạm đi như hai người bạn, không có biểu hiện nào để người ta thấy mình là công an còn người kia là tội phạm. Tối hôm đó, hai người ngủ chung phòng khách sạn, tôi quyết định không còng tay nghi phạm, vì tôi tin rằng người này hiểu và tin tôi tuyệt đối”, đại úy Thanh nói thêm. Theo anh, nghề nào cũng có cái khó, cái vướng mắc khi thực hiện công việc. “Nhưng cứ làm với cái tâm, làm hết khả năng của mình với công việc là thấy vui rồi”.
Quyết liệt với tội phạm đường phố
Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, đại úy Thanh trăn trở về tình trạng các băng nhóm dàn cảnh móc túi người đi đường trong thời gian qua, không chỉ ở địa bàn Q.10 mà xảy ra khắp các quận huyện trên địa bàn thành phố. “Mỗi lần đọc báo thấy nạn nhân bị dàn cảnh móc túi mất tài sản tôi cảm thấy đau lòng. Loại tội phạm này hoạt động theo nhóm rất chuyên nghiệp. Chúng tôi đã theo chân và xử lý rất nhiều băng nhóm kiểu này nhưng bọn chúng rất nhiều thủ đoạn để đối phó. Chúng tôi sẽ quyết liệt đấu tranh loại bỏ loại tội phạm này”, anh chia sẻ.
Nhưng trước khi các băng nhóm tội phạm sa lưới pháp luật, đại úy Thanh cũng mong muốn người dân khi ra đường không nên để tiền, tài sản quý giá “hớ hênh”, tạo điều kiện cho băng nhóm móc túi, cướp giật. “Người dân cũng cần lưu ý, ngoài dàn cảnh đụng xe, hiện nay băng nhóm cướp giật đường phố còn có chiêu trò như đánh ghen để lợi dụng cướp tài sản người đi đường”, anh nói.
Hơn 10 năm công tác tại Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an Q.10, đại úy Thanh đã góp phần cùng các đồng đội khám phá, bắt nhiều nghi phạm cộm cán trong các vụ án hình sự có tính chất phức tạp. Trong đó có chiến công “lần mò” chứng cứ, đấu tranh và bắt được 2 hung thủ giết người xảy ra tại đường Lê Hồng Phong, P.2, Q.10; chiến công truy bắt 4 nghi phạm gây ra vụ cướp táo tợn trên đường Bà Hạt; đấu tranh tâm lý khiến hung thủ giết người phải tâm phục khẩu phục cúi đầu nhận tội…
“Không chỉ là nghề mà máu hình sự ăn sâu trong người, thôi thúc mình làm việc, thôi thúc mình phá án nhanh để đem lại sự bình yên cho người dân”, đại úy Thanh tâm sự.
Đại úy Thanh tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM năm 2002. Năm 2004, anh vào ngành công an và được phân công về Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an Q.10. “Trước đây mình không có ý định theo nghề công an như bố mình, dù gia đình luôn muốn mình theo ngành công an. Sau khi tốt nghiệp, đi làm và va chạm nhiều thì mới phát hiện mình có “máu” trinh sát, điều tra án nên quyết định theo và giờ đã trở thành nghiệp rồi”, anh chia sẻ.
Từ năm 2010 - 2014, đại úy Thanh liên tục nhận được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Công an TP.HCM công nhận là gương điển hình tiên tiến toàn diện trong giai đoạn 2010 - 2015, được UBND Q.10 chọn là gương điển hình tiên tiến tiêu biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước của TP.HCM giai đoạn 2010 - 2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.