Vi phạm bản quyền: Nói mãi khổ lắm!

25/11/2021 06:20 GMT+7

Việc chưa hiểu rõ luật hoặc lợi dụng việc chưa hiểu rõ luật, thậm chí biết luật nhưng vẫn phạm luật..., được cho là những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm bản quyền cứ nói hoài nói mãi.

Khi lùm xùm quanh vấn đề bản quyền ca khúc Giấc mơ trưa (nhạc sĩ Giáng Son bị BHMedia khiếu nại về bản quyền với chính ca khúc mình sáng tác khi đăng trên YouTube) vẫn chưa ngã ngũ thì ồn ào khác về bản quyền hình ảnh (nhà sản xuất Rap Việt mùa 2 sử dụng hình ảnh đồ họa của một nhà thiết kế nước ngoài để làm poster mà chưa xin phép) khiến dư luận “dậy sóng”. Trong cả hai vụ việc, các bên đều đang ủy quyền cho luật sư hoặc đơn vị bảo vệ quyền tác giả để giải quyết.

Nhà sản xuất Rap Việt mùa 2 sử dụng hình ảnh đồ họa của một nhà thiết kế nước ngoài (trái) để làm poster mà chưa xin phép

T.L

Với vụ vi phạm bản quyền hình ảnh, đơn vị sản xuất Rap Việt đã nhận sơ suất, xin lỗi và đang làm việc với tác giả cùng đơn vị sở hữu hình ảnh trên để xin phép quyền sử dụng. Trong khi đó, từ vụ việc liên quan bản quyền ca khúc Giấc mơ trưa, có thêm nhiều nhạc sĩ phản ánh cũng như gửi đơn kiến nghị đến Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khi họ cũng bị xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm của mình; trong đó chủ yếu là bị khiếu nại, cảnh báo vi phạm bản quyền từ các đơn vị trung gian đang khai thác bản quyền âm nhạc trên nền tảng số. Cũng theo thống kê từ bộ phận pháp chế của VCPMC, số vụ xâm phạm quyền tác giả có xu hướng gia tăng, khi môi trường kỹ thuật số ngày càng phát triển và hoạt động âm nhạc diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Các hành vi vi phạm thường là sử dụng tác phẩm mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả; không có sự thỏa thuận hay trả thù lao, nhuận bút và các lợi ích vật chất cho chủ sở hữu theo quy định; tự ý sửa chữa tác phẩm gây phương hại đến tác giả…

Thực tế cho thấy đến nay, rất nhiều vụ kiện về vi phạm bản quyền, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa giải trí vẫn chưa có hồi kết. Đáng nhắc đến là vụ kiện Gánh mẹ (tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan bài thơ Gánh mẹ); hay vụ kiện yêu cầu Spotify AB tại Thụy Điển bồi thường hơn 9,5 tỉ đồng vì vi phạm bản quyền chương trình Rap Việt (mùa 1) và chương trình Người ấy là ai?

Theo một số luật sư về sở hữu trí tuệ, trước tình trạng vi phạm bản quyền cứ nói hoài nói mãi như vậy, không thể không “truy ngược” từ nhận thức của các chủ thể về vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan. Như nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến thừa nhận, nhạc sĩ là người sáng tạo tác phẩm nên không thể hiểu biết hết mọi thứ, rất cần có sự đồng hành của nhà tư vấn luật bản quyền và nhà tư vấn công nghệ thông tin. Trong khi hơn ai hết, nhà sản xuất Rap Việt phải hiểu rõ vấn đề bản quyền vì chính đơn vị này bị vi phạm bản quyền và đã khởi kiện để bảo vệ sản phẩm sáng tạo của mình. Vậy mà nay họ lại bị “tố” sử dụng hình ảnh trái phép (!).

Từng có những MV triệu view bị gỡ khỏi YouTube để chỉnh sửa lại hoặc “bay màu” do vi phạm bản quyền; thậm chí người vi phạm đã phải bồi thường hàng trăm triệu đồng. Hay dù kéo dài 12 năm ròng nhưng vụ kiện về tranh chấp tác quyền Thần đồng đất Việt đã kết thúc có hậu đối với họa sĩ Lê Linh. Và đúc kết “xương máu” mà lúc bấy giờ họa sĩ chia sẻ với báo giới có lẽ tới nay vẫn chưa cũ: Đó không chỉ là khổ nạn của cá nhân ông mà còn là bài học đối với nhiều người, nhất là người làm công việc sáng tạo, khi vẫn còn lơ mơ về bản quyền hay sở hữu trí tuệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.