(TNO) Trong năm 2011, Việt Nam có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính là 81%, giảm 2% trong 2 năm liên tiếp so với 83% (2010) và 85% (2009). Giá trị thương mại của phần mềm bị vi phạm vào khoảng 395 triệu USD, giảm 4% so với 2 năm trước.
Đây là những thông tin được đưa ra trong một báo cáo về tình hình vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu 2011 do Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) công bố sáng nay 17.5.
Tình hình vi phạm bản quyền toàn cầu do đối tượng tự nhận - Nguồn: BSA
Theo ông Tarun Sawney, Giám đốc lĩnh vực phòng chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BSA, những kết quả tích cực của việc giảm tỷ lệ vi phạm là bằng chứng cho thấy những nỗ lực và hướng đi đúng của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện BSA cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn lớn trong việc giảm tỷ lệ vi phạm xuống bằng khu vực (60%) hoặc thế giới (42%).
Cũng theo nghiên cứu của BSA, khoảng 57% số người dùng máy tính cá nhân trên thế giới thừa nhận có hành vi vi phạm bản quyền phần mềm. Khảo sát này được thực hiện tại 33 nước, trên gần 15.000 người.
36% số người thừa nhận có vi phạm bản quyền phần mềm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được khảo sát cho biết đã sử dụng phần mềm bất hợp pháp “mọi lúc”, “phần lớn thời gian” hay “thỉnh thoảng”, và 27% số khác cho biết “ít khi” sử dụng.
Nghiên cứu cũng cho biết những đối tượng thừa nhận có vi phạm bản quyền phần mềm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu là nam giới, trong đó 32% ở độ tuổi 18-24.
Theo ông Hà Thân, Tổng giám đốc Công ty Máy tính Lạc Việt, các doanh nghiệp phần mềm VN đã đầu tư hàng triệu USD vào lĩnh vực phát triển phần mềm do vậy rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc ngăn chặn nạn ăn cắp bản quyền.
Theo ông Từ Văn Nhũ, Phó chánh án TAND tối cao, do sự thiếu hụt về mặt luật pháp mà các cơ quan đại diện có những lúng túng nhất định trong xử lý các vụ việc liên quan đến nạn xâm phạm bản quyền phần mềm.
Trường Sơn
Bình luận (0)