Khoa học công nghệ ngày càng thể hiện rõ vai trò của sở hữu trí tuệ trên không gian mạng và được xem là yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế sáng tạo. Việc thực hiện tốt hoạt động bảo hộ bản quyền được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đóng góp ngày càng nhiều vào GDP.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Tùng, đại diện Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số của Việt Nam tương đối cao, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đặc thù yếu tố môi trường số là không gian xuyên biên giới nên khó xác định các chủ thể và hành vi vi phạm. Trong khi đó, bộ máy thực thi của Việt Nam còn hạn chế, dẫn đến khó xử lý vi phạm bản quyền trên môi trường số.
Phát biểu tại hội thảo "Bản quyền và phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số" diễn ra ngày 17.4 tại Hà Nội, ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm bản quyền số (DCC) nhấn mạnh việc bảo vệ bản quyền trên môi trường số cũng giống như bảo vệ tài sản trên môi trường vật lý.
Theo ông Chung, có 8 loại đánh cắp bản quyền trên môi trường số gồm: Chiếm đoạt quyền tác giả; Mạo danh tác giả; Phân phối, xuất bản tác phẩm giả mạo; Phân phối, xuất bản tác phẩm và bản sao tác phẩm không có sự đồng ý của tác giả; Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm không có sự đồng ý của tác giả; Sao chép tác phẩm (không có sự đồng ý của tác giả); Tự ý làm sản phẩm phái sinh; Sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền bản quyền với chủ sở hữu.
"Môi trường số có đan xen nhiều hình thức phân phối khác nhau. Các nền tảng xuyên biên giới thường chỉ tuân thủ quy định tại quốc gia họ đặt trụ sở. Vì vậy chúng ta phải xây dựng chính sách đảm bảo sự phát triển của công nghệ và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế", ông Chung nói.
Lãnh đạo DCC đánh giá doanh nghiệp làm nội dung của Việt Nam thường có quy mô nhỏ, khó có khả năng thuê luật sư, xử lý khi gặp vấn đề vi phạm bản quyền. Trong khi đó, nội dung lại bị các chủ thể xấu ăn cắp phân phối trên các nền tảng số.
Công nghệ là một trong những công cụ có vai trò quan trọng trong bảo vệ bản quyền trên nền tảng số. Vì vậy, ông Chung cho rằng cần nâng cao hỗ trợ đăng ký bản quyền, kiểm duyệt nội dung tự động, hỗ trợ pháp lý bản quyền hay phát hiện, báo cáo vi phạm bản quyền. Hiện nay doanh nghiệp công nghệ đã có giải pháp đăng ký xác thực bản quyền để chống đánh cắp trên môi trường số. Qua đó, nội dung sẽ được mã hóa trước khi đưa lên môi trường số, rà quét tự động và sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện nội dung vi phạm bản quyền.
Ông Phạm Thanh Tùng cho rằng Việt Nam có nghĩa vụ bảo hộ quyền tác giả không chỉ cho công dân của mình mà cả các tổ chức, cá nhân ở những quốc gia trên thế giới đang là thành viên của tổ chức công ước quốc tế như Berne, Rome, Geneva, WCT… Để làm được điều này, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật như luật Sở hữu trí tuệ, quy định cơ bản để các tổ chức, cá nhân có thể áp dụng trong thực tiễn và thực thi nghiêm vấn đề bản quyền tác giả.
Bình luận (0)