Bởi hiện tượng, đối tượng, bản chất vấn đề... không có gì thay đổi. Đơn cử như tình trạng các cây xăng đồng loạt nghỉ bán hiện nay. Cũng giống như những lần trước, là nhằm "đón gió" việc tăng giá xăng dầu. Chuyện này quá cũ và chính xác đến mức, có tình trạng cây xăng thông báo hết hàng có nghĩa là, xăng dầu chuẩn bị tăng giá. Và lần này cũng vậy, xăng dầu đã chính thức tăng giá vào 5 giờ chiều qua.
Không chỉ cũ ở hiện tượng, chuyện xử lý cũng cũ tương tự. Các cơ quan có thẩm quyền sau khi nhận được tin đều khẳng định, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm khắc... Nhưng một năm vài lần và đã vài năm trôi qua, chuyện "găm hàng đón giá" của các cây xăng vẫn diễn ra ngang nhiên và công khai. Nghiêm khắc thế nào, ở đâu không rõ, điều rõ nhất là cây xăng được lợi và người tiêu dùng bị thiệt.
Cũng như xăng, thị trường gas cũng đầy đủ những quy định chặt chẽ về điều kiện kho chứa, số lượng bình gas, an toàn cháy nổ tới nhập khẩu, lưu thông, giá bán… Tuy nhiên, Nhà máy Dung Quất vừa ngưng sửa chữa thì các công ty kinh doanh gas đều kêu khan hàng, thậm chí đến mức, tăng giá cũng không có hàng để bán. Có 2 khả năng dẫn đến tình trạng này. Đầu tiên là cơ quan quản lý đã "buông" việc thực hiện dự trữ hàng của các công ty kinh doanh gas. Bởi nếu thực hiện đúng, thị trường không dễ và không thể bị tác động trước sự cố sửa chữa Nhà máy Dung Quất nói trên. Khả năng thứ hai là các công ty kinh doanh gas tận dụng sự cố này để tăng giá, trục lợi. Cả 2 khả năng đều cho thấy, sự yếu kém trong công tác quản lý đối với mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu với đời sống kinh tế.
Tương tự, việc lách trần lãi suất đã được phản ánh tới, lui suốt một thời gian dài nhưng tới nay, vẫn không được giải quyết. Chiêu trò chẳng có gì mới, loanh quanh cũng khuyến mãi; trúng thưởng; trả phần vượt, lách bằng tiền mặt... Người gửi tiền, nhất là gửi giá trị lớn, dễ dàng cò kè thêm vài phần trăm lãi suất với các NH. Huy động "lách" thì lãi vay tăng... giảm lãi suất, chắc chắn vẫn còn rất xa. Điều nguy hiểm là cả một nền tài chính lẫn lộn giữa thật và ảo. Trong khi cơ chế, chính sách được ban hành, điều chỉnh dựa trên trần lãi suất, lãi vay công bố thì mức lãi suất thực sự trên thị trường, chỉ có các NH mới biết. Đừng bảo doanh nghiệp "tố" NH, vì dù có bị ép đến đâu, họ cũng phải giữ cửa vay vốn. Cũng đừng bảo người dân, báo chí... cung cấp bằng chứng vượt trần, lách trần. Việc này, nếu cơ quan quản lý thực sự muốn làm, chẳng khó khăn gì. Như nói trên, chỉ cần trong vai người đi gửi tiền vài lần, là biết liền.
Ông chủ một NH lớn nói đùa, NH này chuẩn bị vượt rào bởi sau một thời gian thực hiện nghiêm trần lãi suất, ngoài chuyện giảm lợi nhuận thì số lượng khách hàng rút tiền từ NH này chuyển sang NH khác lấy lãi cao hơn ngày càng nhiều. Đây là sự thật. Kỷ luật thị trường không nghiêm không chỉ gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế mà nó còn tạo ra một cuộc chạy đua vi phạm. Anh làm được thì tôi làm được. Phạt ít lãi nhiều thì cứ chịu phạt để kiếm lợi. Tình trạng này làm méo mó bức tranh kinh tế và tạo ra những rủi ro, hệ lụy trong đời sống người dân - xã hội
Nguyên Hằng
Bình luận (0)