Vì sao Ả Rập Xê Út quyết không giảm sản lượng dầu?

31/08/2015 09:36 GMT+7

(TNO) 9 tháng kể từ khi OPEC giữ nguyên mục tiêu hạn ngạch, theo đuổi việc giữ thị phần lớn thay vì giá dầu cao, đại gia dầu khí Ả Rập Xê Út bắt đầu đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp.

(TNO) 9 tháng kể từ khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giữ nguyên mục tiêu hạn ngạch, theo đuổi việc giữ thị phần lớn thay vì giá dầu cao, đại gia dầu khí Ả Rập Xê Út bắt đầu đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Liệu nước này có thể tiếp tục đứng vững với chiến lược đã vạch ra?

Ả Rập Xê Út vẫn sẽ kiên định với chiến lược hạn ngạch, mặc cho giá dầu có đi về đâu - Ảnh: AFP
Theo CNN, giá dầu sụt giảm mạnh và khả năng phục hồi của các nhà sản xuất dầu đá phiến sét Mỹ bắt đầu xuất hiện khiến OPEC cùng thành viên có tiếng nói lớn nhất tổ chức này, nước Ả Rập Xê Út, nếm thất bại đau đớn. Sản xuất dầu ở Mỹ chững lại, nhưng không giảm đáng kể. Doanh thu của OPEC thì lại lao dốc nặng nề theo giá dầu thô.
Ả Rập Xê Út hiện đứng trước áp lực rất lớn. Chính phủ nước này đang xem xét việc cắt giảm chi tiêu 10% để ngăn chặn thâm hụt ngân sách trầm trọng hơn. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ả Rập Xê Út có thể có khoản thâm hụt ngân sách lên đến 20% GDP.
Giá dầu thấp buộc Ả Rập Xê Út phải lần đầu tiên phát hành trái phiếu với kỳ hạn trên 12 tháng, nhằm có thêm khoảng 35 tỉ riyal, tương đương 10 tỉ USD trong năm nay. Ngoài ra, nội tệ nước này đang chịu áp lực ngày càng cao.
Ả Rập Xê Út neo đồng bản tệ là riyal vào đô la Mỹ, với tỷ giá vào khoảng 3,75 riyal ăn 1 USD. Song nhiều dự báo cho rằng riyal sắp tới sẽ phải giảm giá trị.
Theo tờ Financial Times, riyal đã suy yếu xuống mức 3,79 riyal đổi 1 USD và chính phủ nước này phải trấn an thị trường, cho biết cơ quan tiền tệ Ả Rập Xê Út sẽ “cam kết với chính sách neo đậu riyal vào USD”. Tuy nhiên, nếu giá dầu không tăng lại, chính phủ sẽ phải tiếp tục hạ dự trữ ngoại hối của họ để ổn định tỷ giá.
Áp lực cũng đang lớn dần với các nước sản xuất dầu mỏ khác. Bộ trưởng Dầu mỏ Algeria gửi một bức thư đến Ban thư ký OPEC đề nghị hành động trước tình hình hiện nay.
Trước thềm cuộc họp gần nhất của OPEC cách đây vài tháng, các quan chức Venezuela đã cố gây áp lực lên chiến lược của OPEC nhằm vực dậy giá dầu. Venezuela được cho là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất, với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đang tăng tiến từng ngày. Ngày càng có nhiều thành viên trong OPEC kêu gọi cắt giảm hạn ngạch dầu thô.
Tổng thư ký OPEC Abdullah al-Badri - Ảnh: Reuters
Trước tình hình hiện tại, liệu Ả Rập Xê Út có thể cân nhắc hoặc tiến hành ngay việc hạ hạn ngạch để nâng giá cả "vàng đen"?
Câu trả lời rất có thể là không. Theo CNN, có rất ít khả năng Ả Rập Xê Út sẽ quay lưng lại với chiến lược giữ thị phần - điều được cho là đang bắt đầu gây ra nỗi đau lớn nhất cho các đối thủ của OPEC. Hẳn nhiên, Ả Rập Xê Út không đứng ngoài vòng tròn thiệt hại, nhưng đối thủ cạnh tranh của họ đang hứng chịu nhiều hơn.
Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, các nhà sản xuất dầu thô Mỹ đã bắt đầu suy yếu. Sản lượng dầu thô đạt đỉnh điểm vào tháng 3, ở mức 9,69 triệu thùng/ngày. Con số này đã, đang và sẽ tiếp tục đi xuống, chừng nào Ả Rập Xê Út còn nhất quán với chiến lược giữ thị phần.
Nhiều công ty sản xuất dầu của Mỹ đã phá sản, và không ít doanh nghiệp khác cũng trên bờ vực của tình huống xấu nhất. Điều này không chỉ giúp Ả Rập Xê Út đạt được mục tiêu thị phần, mà còn giúp họ có khả năng điều chỉnh giá dầu nhiều hơn so với các đối thủ.
Quyết định cắt giảm ngân sách của Ả Rập Xê Út không nên được xem là dấu hiệu cho thấy nước này đang chật vật với giá dầu thấp, mà nên được xem là bằng chứng cho thấy thành viên OPEC sẵn sàng đi tiếp chặng đường dài phía trước.
Ả Rập Xê Út thu hẹp ngân sách để phù hợp với thế giới thực của những thùng dầu giá rẻ, định vị lại quốc gia trong cuộc chiến mà chính họ đã khởi đầu. Đây nên được xem là động thái cho thấy sự kiên định của nước này trong chiến lược hiện tại, không phải là một tín hiệu của sự dao động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.