(TNO) Ai Cập và Ả Rập Xê Út đã âm thầm bắt tay nhau tiến hành các cuộc không kích tại Libya vì lo ngại về sự bành trướng của phiến quân Hồi giáo tại đây, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho hay.
|
Cả Ai Cập và Ả Rập Xê Út, 2 nước đồng minh Mỹ, đã cùng phối hợp triển khai các vụ không kích mà không thông báo hay hỏi ý kiến Washington, The New York Times dẫn lời quan chức này cho biết ngày 25.8.
“Chúng tôi không thấy chuyện này mang tính xây dựng gì cả”, quan chức giấu tên của Mỹ nói, đồng thời cho biết thêm rằng giới ngoại giao rất “cáu giận” với các vụ không kích kể trên.
Trong khi Ai Cập ra sức phủ nhận, Ả Rập Xê Út đã không đưa ra bất kỳ bình luận gì về thông tin cho rằng 2 nước đã không kích Libya.
Tuy nhiên, nguồn tin của New York Times khẳng định Ả Rập Xê Út là nơi cung cấp phi công, chiến đấu cơ và máy bay tiếp nhiên liệu, còn Ai Cập cung cấp các căn cứ dùng để tấn công thủ đô Tripoli của Libya trong 2 cuộc không kích gần đây.
Cuộc tấn công đầu tiên diễn ra hôm 18.8, tập trung vào các địa điểm do phiến quân Hồi giáo tại Tripoli kiểm soát, bao gồm một kho chứa vũ khí nhỏ. Sáu người thiệt mạng trong vụ không kích này.
Cuộc tấn công thứ 2 diễn ra tại khu vực phía nam Tripoli vào rạng sáng hôm 23.8 (giờ địa phương), với mục tiêu là các bệ phóng tên lửa, xe quân sự và một nhà kho.
Những cuộc không kích kể trên nhiều khả năng là nhằm ngăn phiến quân Hồi giáo chiếm được sân bay quốc tế ở Tripoli. Dẫu vậy, các lực lượng phiến quân Hồi giáo sau cùng cũng đã kiểm soát được sân bay này, theo AFP.
Libya vẫn chìm trong bạo động và hỗn loạn kể từ sau khi ông Muammar Gaddafi bị lật đổ hồi tháng 8.2011.
Ba năm kể từ sau khi Mỹ và các nước trong khối NATO can thiệp quân sự vào Libya nhằm giúp phe nổi dậy phế truất ông Gaddafi, nội bộ chính phủ nước này vẫn chưa thể thống nhất và các lực lượng phiến quân vẫn đang tranh giành quyền lực với nhau.
Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất vẫn xem phiến quân Hồi giáo trong vùng như một mối đe dọa lớn và đã cùng bắt tay nhau để chống lại cái mà họ coi như hiểm họa chung, theo AFP.
Hoàng Uy
>> Bí ẩn vụ 3 lao động Việt Nam mất tích tại Libya
>> Đã có gần 1.000 lao động VN từ Libya về nước
>> Vẫn còn lao động Việt bị ‘mắc kẹt’ ở Libya
>> Sơ tán lao động Việt Nam khỏi Libya
Bình luận (0)