Khó thở, đau tức ngực sau khi ăn châu chấu
Ngày 14.8, chị N.T.O (27 tuổi, ở Nghệ An) được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng toàn thân nổi mẩn ngứa, khó thở, đau tức ngực. Người này bị ngừng tuần hoàn 15 phút, sau cấp cứu có mạch trở lại. Các triệu chứng này xuất hiện chỉ sau 2 tiếng ăn châu chấu rang.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ nghi do ăn châu chấu chiên giòn. Dù được xử trí đặt ống nội khí quản, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, cho thở máy và truyền dịch..., song không hồi phục. Đến chiều 15.8, gia đình tiên lượng nặng nên xin đưa nạn nhân về nhà, vài tiếng sau thì nạn nhân tử vong
Trước đó, ngày 14.7, một người đàn ông 30 tuổi, ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, sau khi ăn châu chấu rang thì khó thở, tức ngực, toàn thân người bệnh có nhiều ban dị ứng màu đỏ, ngứa, môi và đầu tay chân tím, mệt mỏi, huyết áp tụt sâu. Các triệu chứng này xuất hiện chỉ sau 30 phút ăn châu chấu rang. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ do ăn châu chấu. Sau cấp cứu, người bệnh tỉnh táo, mạch và huyết áp ổn định.
Ăn ít vẫn có thể gây sốc phản vệ
Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tình trạng sốc phản vệ phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, nhiều khi có người rất mẫn cảm với một loại kháng nguyên (ở đây là châu chấu) nên ăn ít cũng có thể gây phản ứng phản vệ mạnh mẽ.
Nguyên nhân có thể do sử dụng côn trùng đã chết có thể sinh ra độc tố, côn trùng bị nhiễm nấm độc, côn trùng ăn các cây chứa nhựa độc như cây đậu cọc rào, thầu dầu tía, ba đậu… (chứa nhóm độc tố Alcaloid, nhóm Glucosid có độc…), hoặc một số độc tố sẵn có của côn trùng không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến. Bản thân côn trùng được cấu tạo bởi nhiều protein lạ có thể gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm.
Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong. Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn.
Khuyến cáo khi sử dụng côn trùng trong chế biến thực phẩm
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, việc thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn, tâm lý chủ quan khi lựa chọn côn trùng lạ để ăn thử và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc và thậm chí gây ra tử vong cho người ăn. Hiện nay khi chưa có các nghiên cứu sâu, đầy đủ về côn trùng sử dụng trong chế biến thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:
Tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.
Lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.
Trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)