Vì sao ăn thịt rùa biển có thể gây ngộ độc?

11/03/2024 16:55 GMT+7

Ăn thịt rùa biển dễ dẫn đến ngộ độc chelonitoxism - loại độc chưa có thuốc giải và có thể dẫn đến tử vong.

Hôm 9.3, nhà chức trách đảo Pemba, thuộc quần đảo Zanzibar (Tanzania) cho biết 9 người đã thiệt mạng và 78 người phải nhập viện sau khi ăn thịt rùa biển. Theo tờ Mirror, người dân tại quần đảo Zanzibar xem thịt rùa biển là một món ngon, mặc dù trước đây từng có nhiều trường hợp tử vong do ăn loại thịt này.

Vì sao ăn thịt rùa biển có thể gây ngộ độc?- Ảnh 1.

9 người đã thiệt mạng và 78 người phải nhập viện sau khi ăn thịt rùa biển

Minh họa: Pexels

Theo Trung tâm Chống độc Quốc gia (Mỹ), người ăn thịt rùa biển bị tử vong có thể là do bị nhiễm độc chelonitoxism.

Theo đó, rùa biển bị nhiễm độc chelonitoxism vẫn có vẻ ngoài khỏe mạnh và không bị bệnh tật gì. Tuy nhiên, trong trường hợp ăn phải thịt hoặc các bộ phận của rùa bị nhiễm độc chelonitoxism, chất độc có thể ngấm vào cơ thể người ăn.

Sau khi cơ thể bị nhiễm độc chelonitoxism, các triệu chứng ban đầu thường gặp bao gồm ngứa, đau miệng, đau cổ họng, nôn mửa và đau bụng. Các trường hợp này xảy ra trong vòng vài ngày sau khi ăn thịt rùa. Ngoài ra, một số người nhiễm độc có thể bị loét miệng, lưỡi, lú lẫn, co giật, hôn mê.

Theo Trung tâm Chống độc Quốc gia, ngộ độc chelonitoxism nặng có thể dẫn đến tử vong. Những người sống sau khi bị nhiễm độc có thể bị tàn tật vĩnh viễn.

Do các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc chelonitoxism tương tự các loại ngộ độc thực phẩm khác nên việc chẩn đoán người bị nhiễm loại độc này gặp không ít khó khăn. Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra thuốc giải độc chelonitoxism.

Các chuyên gia khuyến nghị để phòng ngừa trường hợp bị nhiễm độc chelonitoxism, người dân không nên ăn thịt rùa biển và các loài động vật lạ. Bên cạnh đó, nhiều loài rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng, được các tổ chức quốc tế bảo vệ, cấm săn bắt và tiêu thụ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.