Cực quang được hình thành thế nào?
Theo NASA, mới đây mặt trời phát ra một ngọn lửa mặt trời mạnh, đạt cực đại lúc 6 giờ 54 phút (giờ GMT) tức 13 giờ 54 phút (giờ Việt Nam) ngày 10.5. Bão mặt trời này là sự bùng nổ năng lượng mạnh mẽ. Chúng có thể ảnh hưởng đến thông tin liên lạc vô tuyến, lưới điện, tín hiệu điều hướng và gây rủi ro cho tàu vũ trụ và phi hành gia.
Bên cạnh những rủi ro, bão mặt trời cũng mang tới màn trình diễn ánh sáng cực quang rực rỡ trên bầu trời ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các nước châu Âu, châu Úc, Mỹ. Hình ảnh kỳ thú về cực quang ở Phần Lan, Iceland, Đức, New Zealand… liên tục được mạng xã hội chia sẻ những ngày vừa qua. Nhiều người cho biết đây là lần đầu tiên nơi họ sống có thể nhìn thấy được cực quang nên không giấu được sự phấn khích.
Theo Space.com, cực quang được tạo ra bởi các hạt mang năng lượng từ mặt trời lao vào bầu khí quyển phía trên của trái đất với tốc độ lên tới 72 triệu km/giờ. Từ trường của trái đất sau đó chuyển hướng các hạt về phía cực bắc và cực nam. Sau đó, các hạt tích điện đi vào bầu khí quyển trái đất, kích thích các nguyên tử và phân tử khí và tạo ra cực quang.
Rực rỡ Bắc cực quang bùng sáng do bão mặt trời
Quá trình này tương tự như cách hoạt động của đèn neon: Khi các phân tử và nguyên tử bị các electron "kích thích", chúng phải trở về năng lượng ban đầu (trạng thái cơ bản) và làm như vậy bằng cách giải phóng năng lượng dưới dạng photon (ánh sáng). Màu sắc của đèn neon phụ thuộc vào hỗn hợp khí bên trong ống, giống như màu sắc của cực quang phụ thuộc vào hỗn hợp khí trong khí quyển.
“Với cơn bão địa từ dữ dội như lần này, cực quang thậm chí có thể được nhìn thấy từ những khu vực thường không nhìn thấy cực quang. Ngay cả tình trạng ô nhiễm ánh sáng của thành phố cũng không thể ngăn cản màn trình diễn ánh sáng đáng kinh ngạc”, chuyên gia đánh giá.
Bí mật về màu sắc cực quang
Theo các nhà nghiên cứu, màu cực quang phổ biến nhất là màu xanh lá cây. Theo Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA), cực quang màu xanh lá cây thường được tạo ra khi các hạt tích điện va chạm với nồng độ cao các phân tử oxy trong bầu khí quyển trái đất ở độ cao khoảng 100 đến 300 km. Chúng ta cũng nhìn thấy cực quang màu xanh lá cây tốt hơn bất kỳ màu nào khác, vì mắt người nhạy cảm nhất với quang phổ màu xanh lục .
Với bão mặt trời cực mạnh, nhiều người được chiêm ngưỡng cực quang với những màu sắc hiếm thấy như hồng, tím
THỦY PHẠM
Cực quang đỏ tương đối ít xảy ra hơn và thường liên quan đến hoạt động mạnh mẽ của mặt trời. Theo CSA, chúng xảy ra khi các hạt mặt trời phản ứng với oxy ở độ cao cao hơn, thường khoảng 300 đến 400 km. Ở độ cao này, oxy ít đậm đặc hơn và bị kích thích ở tần số hoặc bước sóng cao hơn, làm cho màu đỏ có thể nhìn thấy được.
Cực quang màu xanh và tím, vàng và hồng thậm chí còn ít phổ biến hơn và cũng có xu hướng xuất hiện trong thời kỳ mặt trời hoạt động mạnh như thời điểm hiện tại. Với cơn bão mặt trời cực mạnh lần này, nhiều người trên thế giới đã có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều màu sắc của cực quang, trong đó có những màu hiếm nhất như hồng, tím, theo Space.com.
Bình luận (0)