Vì sao Bến xe Cao Lãnh 'được' hoạt động, dù thiếu nhiều thủ tục?

Trần Ngọc
Trần Ngọc
13/01/2020 10:43 GMT+7

Dù thiếu nhiều thủ tục theo quy định nhưng bến xe Cao Lãnh do Công ty Thập Nhất Phong đầu tư vẫn được hoạt động. Vụ việc chỉ được phát hiện khi ngành chức năng tỉnh vào cuộc kiểm tra.

Vào ngày 12.11.2019, tức gần 6 tháng sau khi Bến xe Cao Lãnh mới hoạt động chính thức, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Tháp, gồm các sở: GTVT, TN-MT, Tài chính, KH-ĐT cùng UBND huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh, kiểm tra hoạt động của bến xe theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thì phát hiện chủ đầu tư còn thiếu nhiều thủ tục theo quy định.
Mặc dù chủ đầu tư bến xe Cao Lãnh thiếu nhiều thủ tục quy định, nhưng ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp vẫn cho di dời bến xe từ phường 2 (thành phố Cao Lãnh) về xã An Bình (huyện Cao Lãnh) hoạt động. Gần nửa năm sau, chủ đầu tư mới bổ sung các thủ tục sau khi bị kiểm tra, phát hiện.

Lạ lùng bến xe 'hoạt động' 6 tháng vẫn chưa được nghiệm thu đấu nối vào quốc lộ

Bến xe Cao Lãnh tại xã An Bình, huyện Cao Lãnh do Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thập Nhất Phong (gọi tắt là công ty Thập Nhất Phong) trụ sở tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đầu tư và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 29.5.2019.

Chủ đầu tư Bến xe Cao Lãnh mới thiếu nhiều thủ tục theo quy định nhưng bến xe vẫn hoạt động, gần 6 tháng mới bị phát hiện

Ảnh: Trần Ngọc

Thế nhưng vào ngày 12.11.2019 tức gần 6 tháng sau khi Bến xe Cao Lãnh mới hoạt động chính thức, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra, mới phát hiện chủ đầu tư còn thiếu nhiều thủ tục quy định.
Cụ thể, như chủ đầu tư chưa lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chưa hoàn thành việc lập kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định. Sân của bến xe và khu vực chờ, đón trả khách còn nhiều bụi, đọng nước ảnh hưởng đến hành khách, chưa thực hiện niêm yết đầy đủ bảng giá dịch vụ tại bến xe.
Điều “lạ” hơn, dù bến xe được đưa vào hoạt động gần nữa năm nhưng thời điểm kiểm tra vào tháng 11.2019, chủ đầu tư vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu việc đấu nối bến xe vào tuyến quốc lộ 30 theo quy định.

Khắc phục thủ tục khá chậm so với cam kết

Ngày 19.11.2019, Sở GT-VT Đồng Tháp cùng các Sở, ngành tỉnh cùng chủ đầu tư Bến xe Cao Lãnh mới họp để giải quyết các tồn tại, hạn chế của bến xe đã được Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Tháp kiểm tra ghi nhận vào ngày 12.11.2019.
Qua đó, Công ty Thập Nhất Phong chủ đầu tư bến xe cam kết phải khắc phục tình trạng về: đọng nước, gây bụi ảnh hưởng đến hành khách, thực hiện lập kế hoạch bảo vệ môi trường trước ngày 30.11.2019. Bên cạnh đó, phải thực hiện xong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định trước ngày 30.12.2019.
Tuy nhiên, có một số thủ tục chủ đầu tư khắc phục chậm hơn cam kết. Cụ thể, đến ngày 19.12.2019 chủ đầu tư mới đăng ký và được UBND huyện Cao Lãnh ký xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường cho bến xe.
Liên quan đến vụ việc, ông Lê Hoàng Bảo, Phó giám đốc Sở GT-VT Đồng Tháp, thông tin đến ngày 24.12.2019, chủ đầu tư bến xe Cao Lãnh gửi báo bổ sung hồ sơ, thủ tục của Bến xe Cao Lãnh. Trong đó, công ty cho biết đang cải tạo, chỉnh trang lối vào bến xe để phục vụ dịp Tết và đang gấp rút dặm vá mặt bằng bến xe để khắc phục tình trạng đọng nước, bụi.

Gấp rút di dời… do bến xe cũ không đủ sức chứa

Trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Hoàng Bảo cho hay Bến xe khách Cao Lãnh (cũ) nằm tại đường Lý Thường Kiệt (phường 2, thành phố Cao Lãnh) có quy mô nhỏ, diện tích chỉ hơn 2.556 m2 nên không đáp ứng được nhu cầu cho phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa đậu đỗ.
Mặt khác, do bến xe trong nội ô thành phố, khu vực đông dân cư, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, trật tư độ thị và việc đảm bảo an toàn giao thông cho nội ô thành phố Cao Lãnh.

Bến xe Cao Lãnh mới được di dời là để đáp ứng chỗ đậu đỗ của các phương tiện vận tải

Ảnh: Trần Ngọc

Theo đó, vào ngày 14.9.2018 Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Tháp có công văn 167 thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án quy hoạch, đầu tư xây dựng bến xe khách, xe tải vùng Cao Lãnh. Đến tháng 1.2019, UBND tỉnh Đồng Tháp có công văn số 09 về việc bố trí quy hoạch, đầu tư bến xe khách, xe tải tại vị trí tiếp giáp Quốc lộ 30 bằng hình thức xã hội hóa hoàn toàn.
Chỉ hơn 1 tháng sau, UBND tỉnh Đồng Tháp ra quyết định số 143 ngày 15.2.2019 để phê duyệt chủ trương cho Công ty Thập Nhất Phong đầu tư dự án bên xe khách, bến xe tải tỉnh Đồng Tháp tại xã An Bình, huyện Cao Lãnh.
Đây là dự án bến xe khách loại 3, kết hợp bến xe tải có tổng diện tích sử dụng đất hơn 2,94 ha. Gồm các hạng mục như: khu điều hành bến xe khách, xe tải; nhà chờ, phòng y tế, khu vệ sinh, dịch vụ ăn uống; khu trưng bày xe ô tô, xưởng sửa chữa, bảo trì ô tô,…với tổng vốn đầu tư dự án 53,8 tỉ đồng.
Ông Lê Hoàng Bảo cho hay: "Đối với các thủ tục mà công ty Thập Nhất Phong chưa hoàn chỉnh cho bến xe Cao Lãnh, Sở GT-VT Đồng Tháp đã phối hợp với sở, ngành và địa phương liên quan làm việc với công ty và công ty đã cam kết lộ trình thực hiện. Sở sẽ theo dõi và báo cáo cho UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.