Vì sao bệnh nhân không được chi trả nhiều loại thuốc?: Bộ Y tế nói gì?

Liên Châu
Liên Châu
11/05/2019 09:02 GMT+7

Liên quan đến TT 30, ông Hà Văn Thúy, Phó vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết, để triển khai hướng dẫn thực hiện TT 30, Bộ Y tế đã tổ chức 2 hội thảo phổ biến tại Hà Nội và TP.HCM.

Trong quá trình thảo luận, các đại biểu đã góp ý đề nghị sửa đổi một số tên thuốc, đường dùng thuốc và ghi chú điều kiện thanh toán một số thuốc tại danh mục thuốc hóa dược và sinh phẩm tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo TT 30.
Trên cơ sở góp ý của các đại biểu và một số công văn đề nghị sửa đổi của các cơ sở khám, chữa bệnh, công ty dược phẩm, để kịp thời đáp ứng nhu cầu điều trị, Bộ Y tế tiến hành xây dựng dự thảo TT sửa đổi, bổ sung TT 30.
Nói về việc thanh toán BHYT đối với dịch truyền HES (dịch cao phân tử) trong điều trị SXH nặng, theo ông Thúy, nhằm bảo đảm mục tiêu sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả, trên cơ sở ý kiến của Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành thuốc, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành Công văn 11039/QLD-ĐK ngày 30.6.2014 cập nhật thông tin dược lý đối với dịch truyền HES.
Trong đó hướng dẫn: Chỉ sử dụng dung dịch truyền HES trong trường hợp điều trị giảm thể tích tuần hoàn mất máu cấp khi việc sử dụng dịch truyền đơn thuần không mang lại hiệu quả đầy đủ. Căn cứ hướng dẫn tại Công văn 11039 nên TT 30 đã quy định điều kiện thanh toán của dịch truyền HES như vậy.
Theo Quyết định số 458 của Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH: Đối với SXH nặng, sau khi sử dụng dung dịch ringer lactat hoặc natri clorid mà tình trạng người bệnh vẫn chưa cải thiện thì thay thế bằng dung dịch cao phân tử dextran 40 hoặc 70 (hiện 2 loại này không có trên thị trường - PV) và dịch truyền HES.
Về việc thanh toán đối với một số thuốc có trong phác đồ của Bộ Y tế như Adefovir dipivoxil uống trong điều trị viêm gan B, Itraconazol uống trong điều trị nấm trên bệnh nhân HIV/AIDS, Flucytosin uống điều trị nấm trên bệnh nhân HIV/AIDS, ông Thúy cho biết: Đối với Adefovir dipivoxil uống, thuốc này đã loại ra khỏi danh mục theo đề xuất của WHO do có hiệu quả điều trị thấp, tỷ lệ kháng thuốc cao, thế giới không còn sử dụng. Trong danh mục thuốc đã có 2 loại là Tenofovir và Entecavir sử dụng trong điều trị viêm gan B.
“Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi phác đồ điều trị viêm gan B ban hành năm 2014 và dự kiến cũng sẽ loại Adefovir ra khỏi phác đồ”, ông Thúy nói.
Đối với Itraconazol uống, ông Thúy cho biết, trong TT 30 thuốc này không bị giới hạn tỷ lệ, điều kiện thanh toán và thuốc có trong phác đồ điều trị nấm cho bệnh nhân HIV/AIDS của Bộ Y tế. Vì vậy, Quỹ BHYT được thanh toán thuốc này trong điều trị nấm cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Về việc không dùng thuốc Flucytosin uống, ông Thúy giải thích: Tại TT 30 có Flucytosin tiêm, vì trong quá trình xây dựng TT 30, Bộ Y tế không nhận được đề xuất của đơn vị nào đề nghị bổ sung dạng uống.
Mặt khác, qua tra cứu dữ liệu số đăng ký lưu hành, giá kê khai, kê khai lại và kết quả trúng thầu thì không có thông tin về Flucytosin (cả dạng tiêm, uống), chứng tỏ thực tế không có thuốc Flucytosin nào lưu hành tại VN, các đơn vị cũng không sử dụng thuốc này.
Theo ông Hà Văn Thúy, SXH nặng là một trong những trường hợp giảm thể tích tuần hoàn do mất máu cấp. Vì vậy, TT 30 vẫn thanh toán dịch truyền HES trong điều trị SXH nặng khi việc sử dụng dịch truyền đơn không mang lại hiệu quả đầy đủ đúng như hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo TS-BS Châu, chuyên gia Bộ Y tế nói vậy nhưng các chuyên gia của BHYT bắt là bệnh nhân không có SXH nặng (chảy máu nặng) thì không được xài dịch cao phân tử. Mà thật sự có bệnh nhân sốc SXH nhưng không chảy máu và không phải truyền máu, chỉ cần truyền dịch cao phân tử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.