Vì sao Bộ Công an đề xuất dao là vũ khí?

08/12/2023 08:00 GMT+7

Bộ Công an muốn bổ sung 'dao có tính sát thương cao' vào danh mục vũ khí thô sơ, nhằm ngăn chặn, xử lý các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh, trật tự.

Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Bộ này đề xuất bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào danh mục các loại vũ khí thô sơ.

Đề xuất trên của Bộ Công an đang nhận được quan tâm từ dư luận. Một số ủng hộ vì quy định như dự thảo sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đảm bảo an ninh, trật tự; nhưng cũng có ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về tính hợp lý.

Bộ Công an đề xuất dao là vũ khí: Có hợp lý? - Ảnh 1.

Bộ Công an đang xây dựng luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)

T.N

Kéo theo nhiều phát sinh?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, cho rằng về bản chất, dao là công cụ được sử dụng trong đời sống hằng ngày. Việc sử dụng dao để gây án chỉ chiếm phần nhỏ so với công dụng vốn có của dao.

Việc quy định dao là vũ khí thô sơ sẽ kéo theo nhiều phát sinh. Ví dụ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dao kéo sẽ phải thay đổi hoạt động như thế nào, có phải xin giấy phép hay không; người dân cầm dao đi lao động (chặt cây, phát nương rẫy, giết mổ gia súc) có bị xử lý…?

Chưa kể, sát thương gây ra là do người sử dụng chứ không phải bản thân con dao. Nếu lập luận cứng nhắc, gậy gộc cũng có thể coi là vũ khí.

"Quản lý đối với dao như hiện nay là phù hợp, vì dùng dao sai mục đích thì đã có chế tài: cầm dao đến nơi công cộng và gây rối thì bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng; cầm dao gây tổn hại sức khỏe người khác thì bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích hoặc giết người…", luật sư Hùng nói.

Bộ Công an đề xuất quy định dao là vũ khí

Đồng quan điểm, thạc sĩ Võ Văn Tài, Phó khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, cho rằng tình hình tội phạm sử dụng dao xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe đang ngày càng phức tạp. Vì thế, việc thay đổi cách tiếp cận, đánh giá về loại tội phạm này là cần thiết.

Để tìm ra nguyên dân dẫn đến hành vi phạm tội, nhiều khía cạnh cần được xem xét, như: ý thức pháp luật, đạo đức xã hội, môi trường giáo dục, môi trường sống… Thực tế cho thấy, con dao không phải là nguyên nhân khiến tội phạm gia tăng, phức tạp.

Hiện nay, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, dao là hung khí nguy hiểm. Nếu sử dụng để xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác, người phạm tội sẽ phải chịu tình tiết tăng nặng theo quy định tại bộ luật Hình sự.

Bộ Công an đề xuất dao là vũ khí: Có hợp lý? - Ảnh 2.

Theo đề xuất của Bộ Công an, dao có tính sát thương cao sẽ thuộc danh mục vũ khí thô sơ

T.N

Dao để lao động, sản xuất thì không phải là vũ khí

Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), khẳng định việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào danh mục vũ khí thô sơ là cần thiết; nhằm siết chặt quản lý, ngăn ngừa hậu quả từ hành vi sử dụng dao gây ra cho xã hội.

Dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, thiếu tướng Thắng cho biết, nhiều quốc gia quy định rất chặt chẽ liên quan đến dao. Ví dụ, hành vi mang dao đến nơi công cộng sẽ bị phạt tiền, thậm chí là phạt tù, bởi thế không có chuyện người dân vô tư cầm dao ra đường.

Hay như việc sản xuất dao cũng phải đảm bảo các điều kiện nhất định; cửa hàng kinh doanh dao đều được tập huấn, đạt tiêu chuẩn, không phải ở đâu cũng được bán; mỗi con dao có mã số để quản lý…

Tại Việt Nam, tình trạng sử dụng dao vào các mục đích trái pháp luật, nhất là xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác ngày càng phức tạp. Thế nhưng, do luật không quy định dao là vũ khí, hành vi này chỉ bị xử lý khi có đủ căn cứ kết luận phạm tội hình sự (giết người, cố ý gây thương tích…), còn lại không thể xử lý theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép.

"Giữa đêm, đối tượng mang dao nhọn ra đường, bị lực lượng 141 bắt gặp. Nếu không giải thích được mục đích sử dụng, cảnh sát sẽ thu giữ dao, nhưng không thể xử phạt vì luật không cấm", thiếu tướng Thắng lấy ví dụ.

Bất cập trên khiến nhiều đối tượng lợi dụng để sản xuất, kinh doanh, rao bán tràn lan các loại dao hoặc phương tiện như dao. Để khắc phục, Bộ Công an đề xuất như trong dự thảo, nhằm tạo cơ sở pháp lý, xử lý trường hợp vi phạm.

Về lo ngại người dân cầm dao đi lao động có bị coi là sử dụng vũ khí hay không, Phó cục trưởng C06 cho hay cần có sự phân biệt về bối cảnh sử dụng. Nếu dùng dao vào mục đích trái pháp luật, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người khác thì đó là vũ khí; còn nếu dùng vào mục đích lao động, sản xuất thì đương nhiên không phải.

"Ông A. cầm dao đi phát rẫy thì không vi phạm gì. Nhưng một nhóm thanh niên đánh nhau, chạy đến giật con dao đó để gây thương tích, con dao lúc này sẽ trở thành vũ khí", thiếu tướng Thắng phân tích.

Với đề xuất của Bộ Công an, khi sử dụng dao có tính sát thương cao để gây án, ngoài việc bị xử lý hành vi độc lập về cố ý gây thương tích hoặc giết người, người phạm tội còn bị xử lý liên quan đến vũ khí là con dao.

Kinh doanh "dao có tính sát thương cao" phải lập sổ sách theo dõi

Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm: nếu quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh dao kéo trên cả nước sẽ phải thay đổi như thế nào?

Thiếu tướng Phùng Đức Thắng cho biết, dự thảo luật của Bộ Công an đã dành một điều để quy định về vấn đề này.

Theo đó, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; chủng loại sản phẩm phải có nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất; đồng thời phải lập sổ sách để theo dõi số lượng, chủng loại sản phẩm sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu.

Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao trong danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành phải khai báo với công an cấp xã nơi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng trụ sở hoặc cư trú về thông tin sản phẩm, gồm: số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, nơi sản xuất.

Công an cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận thông tin do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai báo để quản lý, theo dõi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.