Kể từ khi luật Quản lý ngoại thương có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, đây là lần đầu tiên Việt Nam điều tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Vì sao Bộ Công thương tiến hành loại áp thuế này?
Hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM là các sản phẩm thép cuộn, thép dây nhập khẩu có các mã HS: 7213.91.90, 7217.10.10, 7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00. Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung với mức thuế là 10,9% kể từ ngày 28.5.2019 đến hết ngày 21.3.2020 (nếu biện pháp tự vệ ban đầu không gia hạn).
Về khía cạnh pháp lý, khi các biện pháp PVTM ngày càng phát triển thì các hành vi lẩn tránh phòng vệ cũng xuất hiện và ngày càng trở nên tinh vi hơn. Chính vì vậy, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã cho phép các thành viên được áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM.
Trên cơ sở các quy định của WTO, luật Quản lý ngoại thương và Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM cho phép Bộ Công thương mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp PVTM để tránh hiện tượng hàng hóa nhập khẩu lẩn tránh các biện pháp này.
Thực tế, sau khi Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với các sản phẩm phôi thép và thép dài (ở dạng thanh, que, cuộn...) nhập khẩu vào Việt Nam vào tháng 3.2016 thì lượng nhập khẩu thép cuộn bị áp thuế tự vệ (chủ yếu là thép cuộn hợp kim) đã giảm đột ngột, từ hơn 1,15 triệu tấn năm 2015 xuống còn khoảng 700.000 tấn năm 2018.
|
|
Trong quá trình điều tra, Bộ Công thương đã tham vấn, lấy ý kiến của các bên liên quan như nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu, các công ty sử dụng thép cuộn làm nguyên liệu đầu vào, đồng thời tổ chức các phiên tham vấn công khai vào tháng 1.2019 để tất cả các bên liên quan có thể trình bày quan điểm của mình.
Mặc dù các nhà sản xuất thép cuộn của Việt Nam đã đầu tư nhà máy, tăng công suất để đủ cho nhu cầu trong nước nhưng vẫn đang phải hoạt động dưới công suất thiết kế do có hành vi nhập khẩu thép cuộn lẩn tránh thuế tự vệ ồ ạt vào Việt Nam. Kết quả điều tra cho thấy có hành vi lẩn tránh biện pháp tự vệ đối với thép dài và hành vi lẩn tránh này đã gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM lần đầu được áp dụng tại Việt Nam cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ về việc đảm bảo hiệu quả các biện pháp đang thực thi, nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng, thuận lợi, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và công ăn việc làm của người lao động, chống gian lận thương mại, đồng thời giảm khả năng hàng hóa nước ngoài “mượn đường” Việt Nam để gia công xuất khẩu, dẫn đến nguy cơ bị nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh PVTM.
Bình luận (0)