Vì sao Bộ trưởng Bộ Y tế không đăng đàn trả lời chất vấn?

09/11/2017 10:59 GMT+7

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết do Bộ trưởng Bộ Y tế vừa trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 và đang thực hiện theo các nội dung này, nên Bộ Y tế không đăng đàn trong kỳ này.

Thông tin với báo chí sáng nay (9.11), Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ ngày 16 - 18.11, Quốc hội sẽ dành thời gian chất vấn các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. 
Trách nhiệm trả lời chính sẽ là Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thông tin  và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chánh án Toà án nhân dân Tối cao. Các Phó thủ tướng, các thành viên Chính phủ cũng sẽ tham gia trả lời, làm rõ thêm. Thủ tướng Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn, làm rõ các vấn đề.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trong các ý kiến của đoàn đại biểu Quốc hội gửi về, có nhiều ý kiến đề nghị chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, nhưng tại sao Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đưa vào?, ông Phúc cho biết, trong quá trình xin ý kiến về các nhóm vấn đề, một số đoàn đề nghị trao đổi thêm các vấn đề liên quan đến Bộ Y tế. Nhưng theo tiêu chí, Bộ Y tế vừa trả lời vào kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã có Nghị quyết 44 năm 2016 sau chất vấn, trong đó có vấn đề y tế như khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, phòng chống dịch bệnh, quản lý giá thuốc, quản lý ngành…
“Bộ trưởng đang tổ chức thực hiện theo nghị quyết này, chưa đầy 1 năm. Trong khi các vấn đề khác cũng bức xúc lắm, cần phải được chất vấn. Nhưng ngoài ra trong quá trình chất vấn các thành viên khác có thể làm rõ thêm, ví dụ trong quá trình trao đổi với Thủ tướng, các bộ trưởng có thể trao đổi thêm”, ông Phúc nói.
Vấn đề BOT cũng tương tự, do đã có chuyên đề giám sát của Thường vụ Quốc hội, có nghị quyết về vấn đề này thì Bộ Giao thông vận tải đang triển khai thực hiện. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng mới được phê chuẩn, cần có thời gian tìm hiểu ngành mình.
Về việc có dành thêm nhiều thời gian để đại biểu đặt câu hỏi với Thủ tướng so với các kỳ họp trước không, ông Phúc cho biết, quy định chất vấn chỉ có 3 ngày, nếu kéo dài thêm thì dài quá, vì trước đây đã kéo dài từ 2,5 ngày lên 3 ngày.
Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết, tất cả đại biểu nhất trí với chương trình xây dựng kỳ họp trong đó có thời gian chất vấn. Các bộ trưởng là người thực hiện trực tiếp đòi hỏi sâu, cần dành nhiều thời gian cho trả lời, về vĩ mô thì Thủ tướng sẽ trả lời.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng khẳng định, các uỷ ban của Quốc hội sẽ giám sát các lĩnh vực mình phụ trách và sẽ báo cáo Quốc hội, Quốc hội sẽ giám sát lại lời hứa của Chính phủ.
“Năm 2018 sẽ bỏ phiếu tín nhiệm thành viên Chính phủ. Quốc hội sẽ xem xét trách nhiệm của các thành viên Chính phủ với thực hiện lời hứa này. Có những vấn đề thuộc về khoá trước nhưng Quốc hội vẫn tiếp tục giám sát và yêu cầu các bộ trưởng giải trình làm rõ những nội dung mà ngành mình chưa thực hiện được. Quốc hội sẽ giám sát đến cùng nội dung các thành viên Chính phủ trả lời”, ông Phúc khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.