Vì sao bóng đá Đông Á bị ‘quét sạch’ ở chung kết Asian Cup 2023?

Quang Tuyến
Quang Tuyến
08/02/2024 10:46 GMT+7

Bóng đá Đông Á trong 16 năm trở lại đây đều luôn có đại diện có mặt ở trận chung kết Asian Cup. Nhưng lần này cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đều phải đứng bên rìa cuộc chơi. Vì sao?

Chấm dứt chu kỳ vào chung kết sau 16 năm

Từ khi Asian Cup được tổ chức từ năm 1956 đến nay đã trải qua 17 giải, trong đó bóng đá Đông Á với 2 đại diện tiêu biểu là Nhật Bản và Hàn Quốc, có năm còn có cả Trung Quốc đã 12 lần góp mặt ở trận chung kết. Chỉ có 5 lần mà thiếu đại diện Đông Á là những năm 1964, 1968, 1976, 1996 và 2007.

Đội tuyển Nhật Bản góp mặt ở 5 trận chung kết và 4 lần lên ngôi vô địch vào những năm 1992, 2000, 2004 và 2011. Lần thua duy nhất của họ chính là thua Qatar ở trận chung kết Asian Cup 2019. Đội tuyển Hàn Quốc góp mặt đến 6 lần ở chung kết với 2 ngôi vô địch năm 1956, 1960. Trong 4 lần về nhì, lần gần nhất năm 2015 khi Hàn Quốc thua chủ nhà Úc ở trận chung kết.

Highlight Qatar 3 - 2 Iran: Đội 'chiếu dưới' thắng ngược kịch tính | Asian Cup 2023

Vì sao bóng đá Đông Á bị ‘quét sạch’ ở chung kết Asian Cup 2023?- Ảnh 1.

HLV Klinsmann thất bại

AFP

Nếu tính từ năm 2007 khi Asian Cup tổ chức tại 4 nước Đông Nam Á, 2 đội vào chung kết là Iraq và Ả Rập Xê Út thì trải qua 3 kỳ Asian Cup tiếp theo luôn có mặt của Nhật Bản (2 lần) và Hàn Quốc (1 lần) ở trận chung kết.

Bóng đá Đông Á chơi nổi bật tại World Cup 2010 ở Nam Phi, World Cup 2014 tại Brazil và World Cup 2018 tại Nga. Thế mà ở Asian Cup 2023, cả 2 đội tuyển Nhật Bản và Hàn Quốc - 2 ứng viên vô địch - đều phải ngậm ngùi dừng bước. Đội tuyển Nhật Bản bị loại ở tứ kết bởi Iran còn đội tuyển Hàn Quốc thua bẽ bàng trước Jordan ở bán kết. Chu kỳ 16 năm vào chung kết của đại diện Đông Á đã chấm dứt ở Asian Cup 2023.

Vì sao bóng đá Đông Á bị ‘quét sạch’ ở chung kết Asian Cup 2023?- Ảnh 2.

Nỗi buồn sau thất bại của đội tuyển Nhật Bản

AFP

Tự làm yếu mình

Xem Asian Cup 2023 mới thấy các đội bóng Đông Á mà tiêu biểu là 2 cường quốc Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đều sa sút do tự làm yếu mình. Hàn Quốc ở vòng bảng không cho thấy sức mạnh của một đội bóng từng nhiều lần tham dự World Cup và dù có ngôi sao sáng giá của Tottenham là Son Heung-min. Đội bóng do ông Klinsmann dẫn dắt khi phòng thủ lơ là, hay mất tập trung và khá thiếu sáng tạo trong lối chơi.

Sau 2 chiến thắng ở vòng 16 đội và tứ kết trước Ả Rập Xê Út và Úc, đội tuyển Hàn Quốc được ca ngợi ở bản lĩnh và tinh thần chiến đấu bền bỉ. Nhưng họ cũng đã gặp may khi đối thủ sơ hở ở phút bù giờ. Song giới chuyên môn không khó nhận ra sự đơn điệu trong cách chơi của đội bóng xứ sở kim chi, khi lối đá chủ yếu khai thác những quả tạt bổng sâu xuống 2 nách sát biên ngang, rồi đánh đầu chiến thuật vào giữa cho đồng đội, không khó để bắt bài. Ngoài ra họ chỉ dựa vào sự xoay xở của những ngôi sao như Lee Kang-in, đặc biệt là Son Heung-min. Thêm vào đó sau 2 trận liên tiếp đá 120 phút khiến Hàn Quốc bị kiệt sức, không còn đứng vững trước Jordan ở bán kết. Họ thua cả sức mạnh lẫn sự mất gắn kết trong đội hình.

Vì sao bóng đá Đông Á bị ‘quét sạch’ ở chung kết Asian Cup 2023?- Ảnh 3.

Son Heung-min bị đeo sát khiến đội tuyển Hàn Quốc bế tắc

AFP

Tương tự Nhật Bản không cho thấy hình bóng ứng cử viên vô địch, cả về chiến thuật lẫn tâm lý thi đấu. Đối thủ này chỉ thể hiện được đẳng cấp trước các đối thủ có trình độ yếu hơn như đội tuyển Việt Nam, Indonesia hay Bahrain. Nhưng khi gặp Iraq hay Iran, đội bóng xứ mặt trời mọc không thể áp đảo về kiểm soát bóng, hầu hết những đường phản công dễ dàng bị chặn đứng. Cách tổ chức lối chơi của người Nhật vẫn còn sơ hở ở hàng thủ và luôn bị tổn thương bởi bóng dài và bổng, khiến họ phải trả giá bằng tình huống dẫn đến phạt đền ở phút bù giờ trận thua Iran. Nhật Bản thiếu sức mạnh ở khu trung tuyến khi bộ đôi Wataru Endo và Hidemasa Morita lép vế trước lối chơi giàu thể lực của Iran hay Iraq. Vì thế dù ghi đến 12 bàn, nhưng người Nhật cũng để thủng lưới 8 bàn.

Sự suy yếu của Nhật Bản còn do nhiều tên tuổi thiếu hẳn động lực và các cầu thủ thiếu gắn kết. Không thể không nhắc đến phản ứng chậm chạp từ HLV Hajime Moriyasu và hậu trường bất ổn. Việc các tuyến của đội tuyển Nhật Bản mất kết nối trong một số thời điểm trên sân làm cho lối đá chung bị chệch choạc.

HLV Moriyasu lại quá chậm trong việc đưa ra những thay đổi nhân sự dẫn đến áp lực cho hàng thủ khi bị Iran hay Iraq tăng tốc. Tình huống phạm lỗi của trung vệ Ko Itakura dẫn đến bàn thua phút chót trước Iran chính là hệ quả của việc bị sức ép khi mà tuyến giữa thiếu một tiền vệ đánh chặn hiệu quả để ngăn cản từ xa. Mặt khác việc vướng ồn ào bên ngoài sân cỏ xuất phát từ việc tiền vệ trụ cột Junya Ito bị cáo buộc có hành vi sai trái về tình dục cũng có tác động khiến đội tuyển Nhật Bản nhiều lúc không còn là chính mình.

Vì sao bóng đá Đông Á bị ‘quét sạch’ ở chung kết Asian Cup 2023?- Ảnh 4.

Đội tuyển Nhật Bản đánh mất sự tập trung khi phạm lỗi trước Iran giờ chót

AFP

Thất bại của bóng đá Đông Á ở giải Asian Cup 2023 cho thấy bản đồ bóng đá châu Á giờ đã đảo chiều. Tuy đang giữ kỷ lục 4 lần vô địch Asian Cup, nhưng con số này của Nhật Bản sẽ khó còn đứng vững khi mà bóng đá Tây Á đã bắt đầu "làm mưa làm gió". Còn Hàn Quốc giấc mơ gần 70 năm vô địch trở lại nếu không có sự cải thiện nào vẫn sẽ mãi là giấc mơ. Nên nhớ 4 năm tới vòng chung kết Asian Cup 2027 lại diễn ra tại một đất nước Tây Á khác là Ả Rập Xê Út, càng khó khăn cho Nhật Bản và Hàn Quốc tìm lại đẳng cấp vốn có của mình.

Xem Trực tiếp & Trọn vẹn Asian Cup 2023 trên FPT Play, tại: https://fptplay.vn/

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.