Vì sao bức ‘Chân dung cô Phương’ của Mai Trung Thứ bán đấu giá được 3,1 triệu USD?

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
19/04/2021 11:56 GMT+7

Bức tranh của danh họa Mai Trung Thứ xuất hiện trong phiên đấu giá Beyond Legends: Modern Art Evening Sale nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong diễn ra vào chiều 17.4 (giờ địa phương).

Trước đó bức Chân dung cô Phương (Portrait de Mademoiselle Phuong) của Mai Trung Thứ được Sotheby’s Hong Kong định giá từ 900.000 USD -1,2 triệu USD. Tuy nhiên đến cuối phiên, giá bức tranh bán đến 3,1 triệu USD. Đây là bức tranh của danh họa gốc Việt có giá cao nhất trên thị trường hội họa thế giới, vượt qua bức Khỏa thân của danh họa Lê Phổ với 1,4 triệu USD năm 2019.

Bức Chân dung cô Phương (Portrait de Mademoiselle Phuong) của Mai Trung Thứ

ẢNH: SOTHEBY’S

Từng xuất hiện trong phim Mùi đu đủ xanh

Bức Chân dung cô Phương vẽ bằng chất liệu sơn dầu, kích cỡ (78x135) cm, trưng bày lần đầu tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1930. Sau đó, tác phẩm được tuyển chọn để tham dự Triển lãm quốc tế thuộc địa năm 1931 ở Paris (Pháp) và một nhà sưu tập tranh cá nhân người Pháp đã mua bức tranh ngay sau triển lãm. Qua thời gian, tác phẩm nằm trong bộ sưu tập Les Souvenirs D'Indochine: Property from the Madame Dothi Dumonteil Collection (Ký ức Đông Dương: Bộ sưu tập của bà Dothi Dumonteil) thuộc sở hữu của bà Dothi Dumonteil. Bà cùng chồng mình Pierre Dumonteil - một nhà sưu tập nghệ thuật có tiếng - đã sở hữu nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam. Chân dung cô Phương từng xuất hiện trong phim Mùi đu đủ xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng.

Bức Đối thoại của Vũ Cao Đàm

ẢNH: SOTHEBY’S

Sotheby’s Hong Kong đánh giá Chân dung cô Phương là bức tranh hoành tráng, nhưng rất dịu dàng và gần gũi. Đây được coi là bức tranh lớn nhất và quan trọng nhất của họa sĩ Mai Trung Thứ được đưa ra đấu giá. Có niên đại từ những năm 1930, sau khi họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, kiệt tác này, được thể hiện tuyệt đẹp bằng sơn dầu.

Bức Phụ nữ và trẻ em của Lê Thị Lựu

ẢNH: SOTHEBY’S

Đặc biệt đây là tác phẩm hiếm thấy của họa sĩ khi ông thường dành hết tâm trí để vẽ tranh lụa. Được trưng bày lần đầu tiên tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngay sau khi hoàn thành, một năm sau đó, bức tranh được giới thiệu tại Triển lãm quốc tế thuộc địa ở Paris danh tiếng vào năm 1931 đánh dấu Mai Trung Thứ chính thức bước vào thế giới nghệ thuật châu Âu. Mang biểu tượng của vẻ đẹp đáng yêu, Chân dung cô Phương là tác phẩm đầu tiên của nghệ sĩ được trưng bày và bán ở Paris, nhận nhiều lời khen từ giới phê bình và sự công nhận của quốc tế.
Người mẫu của tác phẩm - cô Phương - là một phụ nữ trẻ thuộc tầng lớp quý tộc Hà Nội, được biết đến với vẻ đẹp tự nhiên và duyên dáng. Nhiều nguồn tin cho rằng họa sĩ đã yêu cô Phương. Tuy nhiên, do sự hạn chế của giai cấp xã hội và các chuẩn mực đạo đức, mối quan hệ lãng mạn của họ bị cấm đoán.
 Sáng 19.4, Sotheby’s Hồng Kông tiếp tục bán đấu giá các tác phẩm của nhiều họa sĩ gốc Việt. Tác phẩm Hai người phụ nữ và Đối thoại của Vũ Cao Đàm được bán lần lượt với giá 500.000 USD và 530.000 USD. Bức Hai người phụ nữ nhìn ra ao cá vàng của Lê Phổ có giá 750.000 USD. Mai Trung Thứ còn có bức Quý bà viết thơ bán giá 790.000 USD và Coquetry có giá 560.000 USD. Bức Quang cảnh một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam của Phạm Hầu có giá 1 triệu USD. Bức Phụ nữ và trẻ em của nữ họa sĩ Lê Thị Lựu được mua giá 860.000 USD. Đa số các tác phẩm đều có giá bán cao hơn giá ban đầu từ 2 đến 4 lần.

Bức Hai người phụ nữ nhìn ra ao cá vàng của Lê Phổ

ẢNH: SOTHEBY’S

Mai Trung Thứ (1906-1980) là họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật Việt Nam. Ông là một trong nhóm tứ kiệt trời Âu của nền hội họa Việt Nam gồm: Phổ - Thứ - Lựu - Đàm. Sau khi tham gia Hội chợ đấu xảo Paris năm 1936, Mai Trung Thứ quyết định ở lại, sống và hoạt động nghệ thuật tại kinh đô ánh sáng, nơi hội tụ các danh họa bậc thầy của thế giới lúc đó. Suốt mấy chục năm sống và làm việc tại thủ đô nước Pháp, ông chủ yếu vẽ bằng ký ức về đề tài các cô thiếu nữ, các trẻ em Việt Nam, khung cảnh Việt Nam...
Năm 1974, Mai Trung Thứ về thăm Việt Nam sau 38 năm xa quê hương cùng nhiều văn nghệ sĩ khác theo lời mời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.